Đến sáng 23-1, sản phụ giấu tên (35 tuổi; ngụ Đồng Nai) đang được theo dõi tình trạng gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Trước đó, sau ca mổ bắt con và khâu gan diễn ra rạng sáng 22-1 tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), có sự phối hợp của Bệnh viện Chợ Rẫy, đến sáng 22-1 chị đã bắt đầu tỉnh táo, sức khỏe dần ổn định và nằm hồi sức hậu phẫu đến tối 22-1 thì chuyển viện.
Bác sĩ chuyên khoa II Tô Thị Minh Nguyệt, Trưởng Khoa Sản N2, Bệnh viện Từ Dũ, đang chia sẻ với các phóng viên về ca mổ ngoạn mục |
Trước đó, vào ngày 21-1, sản phụ này cảm thấy nhức đầu, chóng mặt và đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Rất may, dù các biểu hiện có vẻ rất thông thường nhưng các bác sĩ ở đây đã xác định được đây là một ca tiền sản giật, có nguy cơ diễn tiến nặng và tức tốc chuyển viện lên Bệnh viện Từ Dũ.
Bệnh nhân đến nơi trong tình trạng huyết áp cực cao, lên tới 200/120 mmHg, dù thai phụ vẫn tỉnh táo và không hề bị đau ở đâu. Xét thấy thai mới hơn 34 tuần tuổi, các bác sĩ quyết định để chị nằm lại theo dõi thêm. Đến 23 giờ cùng ngày, kết quả xét nghiệm cho thấy men gan thai phụ đang tăng, đến 0 giờ ngày 22-1, chị có biểu hiện nôn ói và được phát hiện có xuất huyết bao gan, tim thai em bé bắt đầu không tốt.. Vì vậy, dù thai còn non, các bác sĩ đã quyết định phải mổ cấp cứu ngay trong đêm, mời thêm chuyên gia ngoại tổng quát từ Bệnh viện Chợ Rẫy vì xác định bệnh nhân có thể vỡ gan – biến chứng của tiền sản giật, nguy cơ tử vong rất cao.
Ca mổ kéo dài từ 1 giờ đến 4 giờ sáng, bao gồm bắt con và khâu lại gan. Lúc đó, sản phụ đã bị nứt phần bao gan, bắt đầu xuất huyết nhiều. Tình trạng này nếu không mổ sớm thì vết nứt sẽ bục dần và dẫn đến vỡ gan thực sự. Điều may mắn nhất có lẽ là dù sinh non, bé gái nặng 2,35 kg vẫn rất khỏe mạnh, tình trạng sản phụ cũng tốt.
Qua trường hợp nguy hiểm trên, bác sĩ chuyên khoa II Tô Thị Minh Nguyệt, Trưởng Khoa Sản N2, Bệnh viện Từ Dũ, đơn vị điều trị cho sản phụ này cảnh báo rằng đôi khi những vấn đề sức khỏe tưởng chừng hết sức thông thường ở thai phụ như nhức đầu, chóng mặt…có thể là biểu hiện của một biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ.
Vì vậy khi có dấu hiệu gì bất thường, thai phụ nên đi khám bác sĩ sản trước để tránh việc một biến chứng bị nhầm là rối loạn tiêu hóa, nhức đầu, mệt mỏi thông thường. Ở sản phụ này, thậm chí chị không bị đau vùng hạ sườn phải như người bị biến chứng gan do tiền sản giật.
Riêng về tiền sản giật – sản giật, đó là 1 trong những dạng tai biến dễ gây tử vong nhất trong sản khoa. Đối tượng nguy cơ bao gồm thai phụ quá trẻ (dưới 20 tuổi), lớn tuổi (trên 35 tuổi), có tiền căn cao huyết áp, tiểu đường, đang bị suy dinh dưỡng. Nhưng một số thai phụ trông hoàn toàn khỏe mạnh vẫn gặp biến chứng này. Cách tốt nhất để phòng là đi khám thai đúng và đủ các quy trình, không nên chỉ làm mỗi việc siêu âm.