Chiến dịch có thông điệp "Tin trên mạng, tin cho đúng", hướng tới cung cấp thông tin, kỹ năng cơ bản để người dùng internet nhận biết, phát hiện, phòng tránh tin giả, thông tin xấu độc trên mạng; nhận thức rõ trách nhiệm khi đăng tải, cung cấp, chia sẻ thông tin.
Tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ: Chiến dịch này góp phần chia sẻ sứ mệnh chung là làm sạch không gian mạng xã hội - nơi 80 triệu người Việt Nam tiếp cận với internet có sử dụng hàng ngày, tạo ra hệ sinh thái số an toàn, lành mạnh hơn.
Thời gian gần đây có một số mạng xã hội xuyên biên giới lớn trên thế giới đã chuyển dần từ mô hình kinh doanh nội dung miễn phí, khai thác quảng cáo sang không quảng cáo nhưng phải trả phí. Khi chuyển đổi mô hình kinh doanh như vậy thì quan điểm phục vụ, cách sáng tạo nội dung phải hoàn toàn khác. Câu chuyện tin giả, tin xấu độc sẽ có những diễn biến mới.
Chúng ta không ngồi chờ đợi mà có niềm tin vào cộng đồng sử dụng mạng xã hội có ảnh hưởng tích cực sẽ phát huy trách nhiệm xã hội, đồng hành cùng cơ quan nhà nước trong truyền thông, lan tỏa giá trị tốt đẹp, truyền thông chính sách đến với người dân bằng cách thích hợp, sáng tạo ra các giá trị phù hợp với xã hội. Chuỗi hoạt động trong chiến dịch với nhiều nội dung hấp dẫn sẽ thu hút cộng đồng xã hội; tạo sân chơi lành mạnh cho người dùng internet sáng tạo, sản xuất ra nhiều nội dung có giá trị...
Tên gọi "Tin" vừa có ý nghĩa là tin tức, thông tin hàng ngày được sản xuất trên internet, vừa là niềm tin, sự tin tưởng. "Chiến dịch Tin" được kỳ vọng tạo nên sân chơi lành mạnh, khuyến khích người sử dụng internet tại Việt Nam sáng tạo, sản xuất nội dung tích cực, đem lại giá trị cho cộng đồng. Chiến dịch cũng tôn vinh những người làm trong lĩnh vực truyền thông, các nhà sáng tạo nội dung, tạo không gian gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm, trách nhiệm và đạo đức làm nghề.
"Chiến dịch Tin" được triển khai từ tháng 10 - 11/2023 gồm 2 hoạt động chính. Đầu tiên là Cuộc thi sáng tạo nội dung "Anti Fake News" diễn ra từ ngày 2-28/10 với tổng giá trị giải thưởng lên tới 150 triệu đồng. Đây là sân chơi dành cho mọi người có thể sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok, hướng đến tuyên truyền phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.
Người dự thi cần đăng video tối thiểu 15 giây ở chế độ công khai kèm hashtag #AntiFakeNews #tin trên nền tảng TikTok. Nội dung theo 3 chủ đề: Thực hiện điệu nhảy "Anti Fake News" dựa trên điệu nhảy do Ban tổ chức công bố; thứ 2 là hát bài hát chủ đề của chương trình hoặc sáng tác, viết lời bài hát theo chủ đề của cuộc thi "Anti Fake News".
Chủ đề 3 là kể câu chuyện hoặc diễn hoạt cảnh về tình huống, cách xử lý khi bản thân, người thân gặp phải thông tin chưa đúng sự thật, chưa được kiểm chứng hoặc diễn giải chưa đúng bối cảnh gây ra hiểu lầm và ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; thông tin lừa đảo, chưa đúng sự thật khiến cộng đồng hiểu sai và tin vào điều đó dẫn đến những tác động tiêu cực; đạo đức của người làm truyền thông khi sản xuất thông tin trên không gian mạng; vô tình chia sẻ thông tin sai hoặc thiếu kiểm chứng vì tin tưởng người đưa tin.
Chương trình tiếp theo là "Internet - Nâng cao văn hóa mạng tại Việt Nam" dự kiến diễn ra cuối tháng 11/2023. Đây là chặng cuối của "Chiến dịch Tin" năm 2023, trong đó có Hội thảo "Tin nên tin" có sự góp mặt và chia sẻ của chuyên gia truyền thông, nền tảng trực tuyến và nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng; Lễ trao giải cuộc thi "Anti Fake News"...
Trong suốt quá trình triển khai Chiến dịch sẽ là các hoạt động truyền thông trên nền tảng trực tuyến của Báo VnExpress, chương trình Anti Fake News, TikTok,... để đưa thông điệp của chương trình tới đông đảo công chúng./.