Chiến lược đồng bộ phục hồi chuỗi cung ứng lao động sau đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Xây dựng chuỗi cung ứng lao động ổn định, trong đó đặt người lao động là trung tâm của mọi chính sách, chú trọng đảm bảo thu nhập và an sinh xã hội là một trong những giải pháp để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Đây là nội dung được thảo luận tại hội thảo “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19” trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ tư do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ tổ chức, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5/6.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Nhiều biến động về nguồn cung

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, thực tế đại dịch COVID-19 đã làm kinh tế tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy, kéo theo tình hình lao động, việc làm, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực.

Nguồn cung lao động bị suy giảm nghiêm trọng, số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm mạnh nhất vào quý III/2021, chỉ còn 49,1 triệu người; lực lượng lao động có việc làm quý IV/2021 là 49,07 triệu người, thấp hơn 1,79 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tỉ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, đạt đỉnh cao nhất là quý III/2021 với 3,98% (hơn 1,7 triệu lao động); tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị cao nhất vào quý III/2021 là 5,54%.

Tiền lương, thu nhập của người lao động giảm, đời sống của người lao động khó khăn, trong đó thu nhập bình quân tháng của lao động từ 6,7 triệu đồng/tháng (năm 2019) xuống 5,3 triệu đồng/tháng (năm 2021), giảm sâu nhất là vào quý III/2021 chỉ còn là 5,2 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, sự dịch chuyển cơ cấu lao động theo ngành (nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ) và vùng miền có sự đảo chiều. Ở thời điểm quý III năm 2021, việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng lên và việc làm trong ngành công nghiệp và dịch vụ giảm xuống. Có khoảng 1,3 triệu lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh.

Theo ông Lê Văn Thanh, hiện tại dù tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội đã khởi sắc, hầu hết các ngành, lĩnh vực đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng trở lại nhưng nguồn cung lao động vẫn gặp nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao.

Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Riêng trong quý I/2022, thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động, cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...

Trình độ người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu công nghệ, nhất là giai đoạn phục hồi, nhiều doanh nghiệp đang rất tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0. Cơ cấu lao động giữa khu vực chính thức và phi chính thức chưa trở lại trạng thái trước khi có dịch bệnh. Khả năng kết nối cung - cầu, giới thiệu việc làm đáp ứng yêu cầu thị trường cũng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Quốc gia, Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam chia sẻ: Đại dịch COVID-19 đã tấn công các nền kinh tế và xã hội, đưa đến những thay đổi sâu sắc trong thế giới việc làm. Toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và môi trường, cũng như đổi mới công nghệ, đang làm phát sinh các hình thức việc làm mới và những thay đổi trong cấu trúc và tổ chức công việc. Không quốc gia nào có thể dự đoán trước được những thách thức cụ thể mà mỗi sự thay đổi này có thể mang đến với quốc gia mình.

Cần chiến lược phục hồi đồng bộ

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, để tạo nguồn nhân lực phục hồi kinh tế, cần tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất.

Trong đó, cần tạo môi trường phục hồi và phát triển thị trường lao động, đáp ứng cao nhất nhu cầu phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng lao động; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về quan hệ cung - cầu lao động… Đặc biệt, hoàn thiện nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm việc làm.

“Cần sớm cải tiến, hoàn thiện chính sách về tiền lương, an sinh xã hội, sửa đổi toàn diện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nâng cấp chuẩn nhà trọ hiện hữu. Đồng thời, tiếp tục đổi mới chủ trương, chính sách và triển khai có hiệu quả quy định về thu hút đầu tư trong và ngoài nước, khắc phục tình trạng tập trung nhiều dự án đầu tư ở một địa phương, tạo sức ép hạ tầng và thiếu lao động cục bộ, gia tăng lao động di cư”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Ingrid Christensen cho rằng: Sau đại địch, giải pháp rõ ràng và toàn diện để phục hồi xung quanh bốn trụ cột nền tảng là tăng trưởng kinh tế và việc làm bao trùm; bảo vệ tất cả người lao động; an sinh xã hội toàn cầu và đối thoại xã hội. Điều đáng mừng là Việt Nam đang đi đúng hướng là thực hiện cả bốn trụ cột trên cùng lúc.

Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong nỗ lực hiện đại hóa luật pháp về lao động và việc làm, mở rộng phạm vi an sinh xã hội, nâng cấp thu thập dữ liệu thị trường lao động quốc gia, cải thiện cách tiếp cận chiến lược để phát triển kỹ năng và gần đây hơn là cải thiện luật pháp về lao động và việc làm để phù hợp với nhu cầu thị trường lao động nhiều thay đổi của một nền kinh tế đang chuyển đổi.

Việc làm đi cùng các quyền cơ bản để làm việc và việc làm là một trong những phương tiện chính, thông qua đó, các cá nhân có thể được tích hợp vào xã hội và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Về vấn đề này, việc làm đầy đủ, hiệu quả và được lựa chọn tự do là một mục tiêu chiến lược thiết yếu hướng tới chương trình nghị sự 2030 và 2045 của Việt Nam.

Tiến sĩ Makiko Matsumoto, Ban việc làm bền vững ILO tại Bangkok cũng khuyến nghị, việc phục hồi thị trường lao động cần lấy con người làm trung tâm. Cụ thể, cần nâng cao năng lực của tất cả mọi người; tăng cường thể chế làm việc; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm, tạo việc làm đầy đủ và bền vững cho tất cả mọi người.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Thành phố Hồ chí Minh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh, muốn giữ được người lao động phải đặt họ trong sự phát triển của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy khi thành phố bắt buộc giãn cách xã hội trong thời gian dài, việc làm giảm, mất thu nhập, nhưng việc chăm lo đời sống người lao động chu toàn đã giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, sớm quay lại hoạt động sau đại dịch. Việc quan tâm, chăm lo vật chất, đời sống tinh thần cho người lao động trong đại dịch đã giúp người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Điều này giúp giúp doanh nghiệp không đứt gãy nguồn lao động khi trở lại hoạt động trong tình hình mới./.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.