Cấm bán vé số miền Nam tại miền Trung là vi phạm Hiến pháp
Theo luật sư Hoàng Văn Thất Sơn – Đoàn Luật sư TPHCM: Vé số là hàng hóa hợp pháp, việc các lực lượng chức năng tại Ninh Thuận, Đắk Nông tịch thu, cắt góc, ngăn cấm, xử phạt người bán vé số miền Nam thuộc sở hữu hợp pháp của họ khi họ đi bán tại 2 địa phương này không phù hợp với các quy định của pháp luật.
Trong khi có các quy định rất chặt chẽ về xử phạt hành chính, việc trước tiên các cơ quan chức năng phải làm là lập biên bản về việc vi phạm hành chính. Lưu ý rằng, vi phạm hành chính phải được phát hiện “quả tang”, có nghĩa là ngay khi có việc mua bán diễn ra. Vậy nên, khi lực lượng chức năng tịch thu những bao vé số do các nhà xe vận chuyển về Ninh Thuận, Đắk Nông cũng trái với nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính, bởi không có hành vi mua bán vé số trái địa bàn được diễn ra.
Ngoài ra, nếu luật có quy định hàng hóa phải bị tịch thu thì các cơ quan chức năng phải lập thêm biên bản thu giữ hàng hóa. Để tiêu hủy hàng hóa bị thu giữ thì người có thẩm quyền phải ban hành quyết định tiêu hủy hàng hóa bị thu giữ. Song song đó phải lập tổ hoặc ban tiêu hủy hàng hóa. Vậy nên việc các lực lượng chức năng của Ninh Thuận buộc người bán vé số phải cắt góc vé số còn giá trị sử dụng trái với ý chí của họ, phải chăng là đã lạm dụng quyền lực để bắt nạt dân nghèo khi họ chọn cách mưu sinh là bán vé số dạo để duy trì cuộc sống?
Thông tư 75/2013 của Bộ Tài chính được ban hành trên nền tảng của Nghị định số 30/2007/NĐ-CP ngày 1/3/2007 của Chính phủ về kinh doanh xổ số và Nghị định số 78/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xổ số; nhằm mục đích quản lý xã hội trong hoạt động kinh doanh xổ số. Nhưng xem ra việc quy định vùng miền được phân phối hàng hóa là vé số kiến thiết không còn phù hợp với chủ trương phát triển bền vững nền kinh tế thị trường theo chủ trương chung của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Đắk Nông than phiền doanh thu chỉ là 10% trên tổng số vé xổ số đã phát hành nên thường xuyên dẫn tới thua lỗ nên cầu cứu lập đoàn kiểm tra nhằm xử phạt và tịch thu vé số miền Nam của người bán vé số, có thể đúng theo tinh thần của Thông tư 75/2013; nhưng Thông tư 75/2013 có phù hợp với Hiến pháp hay không là một vấn đề cần được làm rõ để thị trường kinh doanh xổ số cũng được vận hành theo quy luật cung – cầu.
Hiến pháp Quy định rằng “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Điều 33 Hiến pháp quy định: "Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm". Điều 34: "Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội". Điều 35: "1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. 2. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. 3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu".
Luật sư Hoàng Văn Thất Sơn, cho rằng: Như vậy, theo các điều vừa dẫn ra từ Hiến pháp, thì rõ ràng hành động ngăn cấm việc bán vé số miền Nam tại hai địa bàn Ninh Thuận, Đắk Nông đã vi phạm Hiến pháp.
Bán vé số dạo là cách mưu sinh của nhiều người nghèo, trong đó có rất nhiều người tàn tật |
Tiêu hủy vé số nếu trúng thưởng phải bồi thường thiệt hại
Luật sư Phương Văn Thêm – Đoàn Luật sư TP.HCM đưa ra quan điểm, tính pháp lý của tờ vé số khi đang do người bán vé nắm giữ. Người bán vé số hoàn toàn có quyền định đoạt “bán” hoặc “không bán” tờ vé số trên. Cũng bởi, nhiều người bán vé số cũng thường có thói quen giữ lại một vài tờ để tìm cho bản thân một cơ hội đổi đời. Do đó, những tờ vé số thuộc quyền sở hữu, quyền định đoạt của người bán vé.
Vấn đề xảy ra tranh chấp sẽ phát sinh khi những tờ vé số này trúng thưởng. Pháp luật chỉ ghi nhận số tiền trúng thưởng xổ số được coi là thu nhập hợp pháp của người nắm giữ hợp pháp tờ vé số. Do đó, lực lượng chức năng tỉnh Ninh Thuận và Đắk Nông làm cho người bán vé mất thu nhập thực tế nhận được từ trúng thưởng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Luật sư Thêm nhận định, người bán vé số có quyền khởi kiện lực lượng chức năng tỉnh Ninh Thuận và Đắk Nông để yêu cầu đòi “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” căn cứ theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường….
Mặc khác, nếu lực lượng chức năng thực thi công vụ là thu giữ hoặc cắt góc các tờ vé số theo chỉ đạo của cấp trên thì cấp trên phải trực tiếp bồi thường thiệt hại cho người bán vé.
Đối với trường hợp tịch thu hoặc cắt các góc tờ vé số trước giờ xổ làm cho người bán vé không thể bán được các tờ vé số, người bán có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về mất khả năng thu nhập thực tế trước giờ vé xổ. Hoặc, bồi thường thiệt hại về tiền vốn đã lấy vé từ các đại lý.
Luật sư Thêm lý giải, hành động tịch thu hay cắt góc các tờ vé số là hành vi đáng lên án. Bởi vé số là hàng hóa hợp pháp, việc cấm người dân mua – bán vé số từ vùng miền này sang vùng miền khác, từ địa phương này sang địa phương khác là hết sức phi lý.