Chiến lược thu hút FDI thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sau gần 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dòng vốn này đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI cũng diễn ra linh hoạt, Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào để có chiến lược cụ thể trong thu hút FDI thế hệ mới, bài viết sẽ đi sâu làm rõ vấn đề này.

Những kết quả sau 30 năm thu hút FDI

Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách thu hút FDI từ năm 1987. Sau 30 năm, nguồn vốn này đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đã có trên 310 tỷ USD của các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam. Với sự hiện diện của những nhà đầu tư hàng đầu thế giới, điển hình là các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới như: Honda, Intel, Samsung, Yamaha, Panasonic, Microsoft, LG... Những dự án tỷ “đô” của các tập đoàn kinh tế hàng đầu cho thấy, Việt Nam đã và đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Diện mạo FDI chảy vào Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt từ 10 năm trở lại đây (2006 - 2017). Chỉ trong thời gian ngắn này, nhà đầu tư nước ngoài đã rót khoảng 276 tỷ USD vào Việt Nam, cao gấp nhiều lần con số của 20 năm trước đó. Năm 2006, với việc công bố đầu tư dự án trị giá 1 tỷ USD (tại TP. Hồ Chí Minh), Tập đoàn Intel (Mỹ) đã ghi tên Việt Nam vào bản đồ công nghệ thông tin toàn cầu. Đây cũng là sự kiện có tính chất mở đường, tạo nguồn cảm hứng giúp Việt Nam thu hút các dự án lớn, các dự án công nghệ cao khác.

Sau Intel, năm 2008, Tập đoàn Samsung đầu tư vào Việt Nam với dự án nhà máy lắp ráp điện thoại tại Bắc Ninh với tổng số vốn 700 triệu USD. Đến nay, tổng số vốn đăng ký của Samsung đạt khoảng 17 tỷ USD. Cùng với đó, Tập đoàn LG cũng đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 3 tỷ USD.

Trong 20 năm có mặt tại Việt Nam, tổng số vốn đầu tư của Honda đã đạt khoảng 530 triệu USD. Đến nay, Tập đoàn này đã đóng góp khoảng hơn 40 nghìn tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách và tạo việc làm cho khoảng 10 nghìn nhân viên.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến cuối năm 2017, cả nước có 24.748 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 318,72 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế đến cuối năm 2017 của các dự án FDI ước đạt 172,35 tỷ USD, bằng 54% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Năm 2017, là năm đánh dấu của những kỷ lục mới về FDI vào Việt Nam (FDI đạt gần 36 tỷ USD - mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây). Hiện có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 8,49 tỷ USD, chiếm 23,7%; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,3 tỷ USD, chiếm 14,8%.

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh, thành phố, trong đó TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn nhất với 6,5 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư; Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký là 3,4 tỷ USD, chiếm 9,5%; Thanh Hóa đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 3,17 tỷ USD, chiếm 8,8%.

Xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 72,6% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt khoảng 152,34 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ 2016 và chiếm 71,2% kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực FDI đạt khoảng 126,44 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm gần 59,9% kim ngạch nhập khẩu.

Tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 28,8 tỷ USD kể cả dầu thô và 25,9 tỷ USD nếu không kể dầu thô. Xét theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai; thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Những con số trên cho thấy, Việt Nam là một trong những địa điểm được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Có được kết quả này, yếu tố quan trọng nhất là nhờ tình hình chính trị ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện, chi phí lao động 654 thấp, tốc độ mở cửa thương mại cao và lợi thế về vị trí địa lý của Việt Nam... Đặc biệt, việc Chính phủ tập trung chỉ đạo cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư đã tác động rất tích cực đến khu vực FDI và được cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao.

Khu vực doanh nghiệp (DN) FDI đã và đang có những đóng góp ngày càng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Những đóng góp này được thể hiện qua những con số cụ thể như tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội luôn chiếm khoảng 25%, đóng góp trên 20% vào GDP.

Đây cũng là khu vực nộp ngân sách chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách, chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với tỷ lệ khoảng 70%. Bên cạnh những đóng góp lượng hóa được thì khu vực FDI còn có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, khơi dậy nguồn lực đầu tư trong nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách DN nhà nước, đổi mới thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy có được kết quả đầu tư FDI ấn tượng nhưng Việt Nam cũng dần nhận thức được, cần phải có một sự thay đổi chiến lược về chính sách để duy trì khả năng cạnh tranh trong ASEAN, bảo đảm sự bền vững của luồng vốn FDI tiếp nhận được và đẩy mạnh FDI có giá trị gia tăng cao nhằm đạt được các mục tiêu phát triển. Do vậy, định hướng mới cho thu hút FDI:

Thứ nhất, xúc tiến thu hút FDI theo quy hoạch chung của các ngành, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Thứ hai, phát triển FDI một cách bền vững với trọng tâm là chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường liên kết với DN trong nước.

Một số tồn tại cần giải quyết

Dòng vốn của khu vực FDI cũng đang đặt ra một số vấn đề tồn tại cần phải giải quyết:

Thứ nhất, nền kinh tế đang có xu hướng phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài. Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực FDI, đặc biệt một số công ty lớn. Nếu như năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ chiếm 32,9% tổng xuất khẩu của Việt Nam thì con số này đã tăng lên 70,2% năm 2016 và trên 72% trong năm 2017.

Bên cạnh đó, với dòng vốn lớn từ khu vực FDI, vốn đầu tư toàn xã hội liên tục tăng ở mức cao trong những năm gần đây. Dù suy giảm trong nửa cuối năm 2016, dòng vốn từ khu vực FDI đã phục hồi đáng kể trong nửa đầu năm 2017. Thực tiễn cho thấy, khu vực kinh tế trong nước đang ngày trở nên yếu thế so với khu vực FDI, đặc biệt trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế đang được mở rộng.

Thứ hai, dù đã có nỗ lực nhất định trong việc thu hút một số DN công nghệ cao, đánh giá chung Việt Nam vẫn chưa đạt mục tiêu nâng cao đáng kể trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ thông qua các DN FDI.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư, mặc dù công nghệ chuyển giao vào Việt Nam hầu hết là công nghệ có trình độ bằng hoặc cao hơn công nghệ sẵn có ở Việt Nam, phần lớn các DN FDI có công nghệ trung bình so với thế giới (80%), một phần đáng kể có công nghệ lạc hậu (14%) và chỉ có 6% có công nghệ cao.

Các công nghệ được chuyển giao theo các dự án FDI thường là các công nghệ được đưa vào theo lợi ích của nhà đầu tư chứ không phải theo nhu cầu đổi mới công nghệ do phía Việt Nam chủ động đưa ra. Điều này sẽ hạn chế việc chuyển giao công nghệ tiên tiến cho DN nội như kỳ vọng và cam kết.

Thực tiễn của ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam là minh chứng rõ nhất. Sau nhiều năm phát triển, hiện nay, công nghệ sản xuất ô tô không có nhiều cải thiện, vẫn chỉ dừng lại ở nhập khẩu linh kiện và lắp ráp. Tỷ lệ nội địa hoá chỉ 15-40%, chi phí sản xuất cao hơn khoảng 20% so với các nước khác trong khu vực ASEAN, đồng thời ngành Công nghiệp phụ trợ chỉ dừng lại ở sản xuất vài linh kiện đơn giản như ắc quy, lốp xe. Sau hơn 30 năm thu hút FDI, kết quả như vậy là hết sức hạn chế.

Thứ ba, tác động tiêu cực đến môi trường. Do nhiều dự án FDI đưa vào dây chuyền công nghệ lạc hậu nên có tác động tiêu cực đến môi trường. Sự tàn phá môi trường của một số DN FDI như Công ty Vedan tại Đồng Nai, Công ty Tung Kuang tại Hải Dương, Công ty Long Tech tại Bắc Ninh... Thảm họa môi trường biển ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế do Tập đoàn Formosa gây ra là vấn đề nổi cộm trong thu hút FDI thời gian qua.

Bên cạnh việc phá hoại môi trường là việc khai thác cạn kiệt tài nguyên. Trong thời gian vừa qua (giai đoạn trải thảm đỏ đón nhà đầu tư), đã có rất nhiều dự án đầu tư khai thác tài nguyên khoáng sản... Đây là nguồn tài nguyên không tái tạo được. Sự khai thác bừa bãi thiếu quy hoạch sẽ gây tổn thất lớn tài nguyên quốc gia.

Thứ tư, hiện mới chỉ có khoảng 300 DN Việt Nam đủ tiêu chuẩn đáp ứng được các tiêu chí về sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn nước ngoài, còn lại, vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI, điều này chứng tỏ liên kết giữa các DN còn yếu. Do đó, để nguồn vốn FDI đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế, vấn đề đặt ra là cần tăng cường liên kết giữa khu vực FDI và khu vực DN trong nước, làm sao để DN trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến thu hút FDI

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, đặc biệt là những công nghệ có tác động lớn như công nghệ in 3D trong chế tạo sản phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, robot... đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Việc nắm bắt kịp thời các thành quả của cuộc CMCN 4.0 có thể coi là chìa khóa, cơ hội để tạo bước phát triển mang tính đột phá cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới nhằm thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa.

Hiện nay, Việt Nam đang duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, tiến hành CNH - HĐH dựa vào thu hút vốn FDI và xuất khẩu. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng này sẽ đứng trước thách thức lớn trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 khi rô bốt, trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế sức lao động của con người, hoạt động sản xuất - chế tạo trong tương lai sẽ quay trở lại các nước công nghiệp phát triển.

CMCN 4.0 đã đem lại những cơ hội và tạo ra không ít thách thức với chiến lược thu hút FDI tại Việt Nam. Phần lớn các hãng ô tô, xe máy và điện tử toàn cầu cùng các nhà cung cấp đã chủ động đi theo con đường CMCN 4.0 và con đường này đang dẫn họ tới lợi nhuận lớn hơn. Môi trường thuận lợi cho CMCN 4.0 cùng với kỹ năng và công nghệ tương xứng của Việt Nam sẽ là một sự đề xuất giá trị hấp dẫn nhằm thu hút loại hình đầu tư FDI có định hướng xuất khẩu giá trị gia tăng nhiều hơn.

Sự xuất hiện của CMCN 4.0 đã tác động khiến các công ty lớn của Việt Nam phải cân nhắc làm thế nào để tự động hoá sản xuất, giảm nhân công và tăng năng suất. Tự động hoá dù là tương lai nhưng tình trạng mất việc làm tay nghề thấp sẽ tăng. Vì thế cần phải có chiến lược đa dạng hoá trong tạo việc làm và bảo đảm công ăn việc làm. DN cần nhận thức được về các cơ hội chủ yếu bằng cách tham gia vào một cụm, nhóm nào đó, dựa trên một thức tế chung là những DN trong cụm, nhóm có khả năng cạnh tranh cao hơn so với các DN tương tự ở ngoài cụm, nhóm.

Trên góc độ phát triển kinh tế và Chiến lược thu hút FDI, những cơ hội chính bao gồm việc thu hút các DN chuyên về công nghiệp phụ trợ để tăng khả năng tạo giá trị gia tăng cho toàn cụm và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt về phát triển kỹ năng và hợp lý hóa quy trình khởi nghiệp và quy trình hoạt động.

FDI với việc chuyển giao công nghệ và các loại hiệu ứng lan toả tích cực khác tạo điều kiện cho DN trong nước hội nhập đầy đủ vào các chuỗi giá trị toàn cầu là cách làm dẫn tới kết quả có lợi cho cả các DN liên quan và cho Việt Nam. Tuy nhiên, cần hạn chế rủi ro khi phát triển cụm sản xuất theo định hướng giá trị bằng cách tránh đi theo hướng nhà nước khởi xướng hay quản lý quá mức.

Thu hút FDI trong Cách mạng công nghiệp 4.0

Xu hướng thu hút FDI

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng của cuộc CMCN 4.0 diễn ra với tốc độ nhanh càng đòi hỏi Việt Nam cần có chiến lược cụ thể trong thu hút FDI (đặc biệt cần quan tâm đến chất lượng của dòng vốn này hơn là số lượng). Cụ thể:

Thứ nhất, ưu tiên thu hút FDI vào những ngành công nghiệp thân thiện môi trường, công nghệ cao và sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, tiếp tục tận dụng lợi thế so sánh nhưng cần hướng tới tạo dựng lợi thế cạnh tranh dựa vào đào tạo nhân lực.

Thứ hai, hướng vào thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp Việt Nam, tăng tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và nâng cấp chuỗi giá trị của ngành và sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế, đóng góp thiết thực vào tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực DN trong nước. Việt Nam vẫn còn chậm thực hiện các chính sách hiện hành được thiết kế để hỗ trợ các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước tham gia vào các chuỗi cung ứng FDI.

Thứ ba, định hướng thu hút các tập đoàn xuyên và đa quốc gia quy mô lớn, có năng lực công nghệ và sẵn sàng chuyển giao công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và đào tạo nhân lực hướng tới CMCN 4.0. Thu hút đầu tư từ những DN tập đoàn này, Việt Nam sẽ học hỏi được kinh nghiệm của các DN FDI tiên tiến, sẽ có sự kích thích và lan tỏa cho các DN và cộng đồng sáng tạo tham gia vào cuộc cách mạng này.

Thứ tư, tạo liên kết sản xuất giữa DN FDI với DN trong nước, tạo cơ hội cho DN trong nước tham gia mạng sản xuất của DN FDI. Sự kết nối giữa DN FDI và DN trong nước cũng cho phép chuyển giao công nghệ và hỗ trợ phát triển năng lực công nghiệp trong nước. Chiến lược thu hút FDI cần hướng tới lợi ích chung của quốc gia, khuyến khích các địa phương hợp tác và cạnh tranh thu hút FDI thông qua hình thành các cụm ngành không giới hạn bởi địa giới hành chính nhằm sử dụng nguồn lực hiệu quả và có trách nhiệm.

Chiến lược thu hút FDI

Để có thể đạt được các chiến lược thu hút FDI hiệu quả cũng như phát huy những cơ hội và hạn chế những thách thức, tác giả đưa ra số khuyến nghị như sau:

Một là, để tối đa hóa hiệu quả FDI, trước hết Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực tạo dựng một thể chế kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với những chuẩn mực, thông lệ tốt nhất có thể. Nhà nước phải chuyển trọng tâm sang kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh, tiên liệu được; thúc đẩy tinh thần kinh doanh khuyến khích đầu tư và đổi mới, chuyển giao công nghệ; cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việt Nam cần tạo điểm nhấn trong đột phá thể chế, chẳng hạn như các tổ chức mô hình các đặc khu kinh tế.

Hai là, cần tạo dựng một khung khổ pháp lý thích hợp cùng với sự quyết liệt thực thi, đặc biệt liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh và việc thu hút FDI công nghệ; Tăng cường công tác xúc tiến và đánh giá kết quả thu hút FDI là kinh doanh bền vững, tác động lan tỏa về công nghệ, kỹ năng và việc kết nối với DN Việt Nam phải được chuyển hóa thành chính sách phát triển.

Ba là, hình thành các cụm liên kết ngành là một hướng đi chính sách cần đặc biệt quan tâm. Nhiều nghiên cứu về cụm liên kết ngành cho thấy các nhân tố tạo ra sự phát triển cụm liên kết ngành bao gồm: môi trường thể chế chuyên nghiệp và thân thiện, thu dụng được nhân tài và một lực lượng lao động có kỹ năng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; sự có mặt của các DN tiên phong, trong đó có vai trò của FDI và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thuận lợi. Thu hút FDI nhưng không gây bất ổn kinh tế là điều Việt Nam cần phát huy trong quá trình hội nhập sâu rộng của mình.

Theo Tạp chí Tài chính
TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?