Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khi nhậm chức trước Quốc hội sau khi có kết quả bầu Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2011. Quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu này, trong nhiều năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn làm hết sức mình để doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh, vươn ra thế giới thành công.
Sự thắng thua, thành bại của nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp, doanh nhân được quyết định không chỉ bởi các quyết sách, thể chế từ phía Nhà nước, mà còn bởi suy nghĩ, hành động, ý thức trách nhiệm, tinh thần kỷ luật của cán bộ, công chức ở mọi nơi, mọi cấp và của chính các doanh nghiệp."
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Đây được coi là chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ nhằm thúc đẩy cải cách quy định và tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ đầu năm đến nay, kết quả cải cách hành chính đã ghi dấu ấn khi đã thực hiện cắt giảm hơn 3.800 điều kiện kinh doanh, hơn 6.770 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành… Bên cạnh đó, những nỗ lực và kết quả gần đây trong xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục cho thấy quyết tâm cải cách của Chính phủ và Thủ tướng.
Trong quý II/2020, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 4 nghị quyết về miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp. Đó là miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đến năm 2020; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020.
Về phía doanh nghiệp, trong thời gian khó khăn vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phát huy tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI, thời gian này thật sự là một thử thách khốc liệt chưa có tiền lệ, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang bị tác động rất nặng nề.
Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân và sự phấn đấu kiên cường của đội ngũ doanh nhân, chúng ta đã thực hiện thành công nhiệm vụ kép: vừa khống chế được dịch bệnh, đồng thời duy trì tăng trưởng, bảo vệ sinh mạng và sinh kế của người dân.
Dù nền kinh tế thế giới theo dự báo sẽ không dễ dàng hồi phục, việc đẩy lùi suy giảm kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng sẽ còn một hành trình gian nan, nhưng những thành quả bước đầu mà Việt Nam đạt được rất đáng được ghi nhận.
Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế được duy trì, an sinh xã hội được bảo đảm. Trong thời Covid-19, một năng lực cạnh tranh cốt lõi mang tinh thần Việt lại được khơi dậy, đó là khả năng thích ứng và chống chịu, sự cố kết vững chắc của cả hệ thống chính trị mỗi lúc đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
"Việt Nam vẫn đang là ngôi sao hy vọng, một địa điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư theo làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu trong một thế giới đầy sóng gió" - ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.