Tổng thống Joko Widodo đã chuẩn bị kỹ lưỡng để chào đón Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako trong chuyến thăm Indonesia diễn ra từ ngày 17-23/6. Việc thể hiện lòng hiếu khách là một phần trong nỗ lực của Indonesia nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Nhật Bản, quốc gia đang ngày càng trở nên quan trọng về mặt địa chính trị trong khu vực.
Quay trở lại thời điểm năm 1962, Thái tử Nhật Bản Akihito - cha của Nhật hoàng Naruhito, khi đến thăm dinh thự của Tổng thống Sukarno đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những con cá vàng tuyệt đẹp mà ông nhìn thấy trong khuôn viên dinh tự Bogor. Tổng thống Sukarno đã đáp lại lời khen ngợi của Thái tử Akihito bằng cách gửi vài cặp cá vàng đến Nhật Bản làm quà tặng.
Trở lại Indonesia vào năm 1911, Nhật hoàng Akihito đã gửi tặng 50 con cá chép hirenaga nishikigoi, một giống lai giữa cá chép màu Nhật Bản và cá chép vây dài Indonesia. Ý tưởng lai tạo hai giống cá do chính Nhật hoàng nghĩ ra.
Trong chuyến thăm mới đây nhất, Tổng thống Widodo đã dẫn Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako chiêm ngưỡng con cá rồng đỏ thuộc giống "huyết long" Arowana. Cả hai rất hào hứng khi nhìn thấy con cá quý hiếm, thậm chí Hoàng hậu Masako đã hỏi Tổng thống Widodo ông có thường tự tay cho cá ăn hay không.
Tổng thống Widodo sau đó đã gây bất ngờ cho các vị khách của mình khi tặng con cá rồng cho họ như một món quà. Hai chính phủ hiện đang thảo luận về cách vận chuyển con cá dài 60 cm đến Nhật Bản.
Tại một cuộc họp báo và trong nhiều dịp khác, Nhật hoàng Naruhito đã nhắc tới hai chuyến thăm Indonesia trước đó của cha mình. Khi trở về nhà, cặp đôi hoàng gia Nhật Bản khẳng định rằng "rất vui khi được trực tiếp trải nghiệm mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia được nuôi dưỡng và phát triển trong nhiều năm".
Vào ngày 24/6, chính phủ Indonesia đăng thông cáo tóm tắt chuyến thăm của Nhật hoàng Naruhito, nhấn mạnh con cá rồng tượng trưng cho mối quan hệ mà hai nước đã thiết lập 65 năm trước như thế nào.
Chính phủ Indonesia hiểu rằng các chuyến công du nước ngoài của Nhật hoàng nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ hữu nghị theo cách phi chính trị. Thông qua chính sách "ngoại giao cá", Tổng thống Widodo đặc biệt muốn thúc đẩy quan hệ song phương với Nhật Bản trên các lĩnh vực kinh tế và an ninh.
Việc tái khẳng định quan hệ của Indonesia và Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Chính quyền Jakarta thấy mình không thoải mái khi ngồi giữa hai "người khổng lồ", phụ thuộc vào Bắc Kinh về kinh tế và Washington về an ninh.
Trung Quốc đang giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của cả Indonesia và khu vực nói chung, thay thế Nhật Bản. Trung Quốc chiếm 1/4 giá trị thương mại của Indonesia vào năm 2022, gấp đôi tỷ trọng của 10 năm trước đó.
Khi sự phụ thuộc kinh tế của Indonesia vào Trung Quốc ngày càng tăng, Tổng thống Widodo trở nên nhạy cảm hơn với cách tiếp cận cao tay của Trung Quốc về các vấn đề kinh tế.
Chính quyền Bắc Kinh đã sử dụng các hạn chế về thương mại và đầu tư để bày tỏ sự không hài lòng với các quốc gia về nhiều vấn đề khác nhau, từ quan hệ với Đài Loan đến COVID-19. Indonesia đang có tranh chấp với Trung Quốc về tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế gần quần đảo Natuna trên Biển Đông.
Một cuộc khảo sát các trí thức do Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore công bố vào tháng 2 cho thấy chỉ 22% người Indonesia được hỏi cho biết họ tin tưởng vào Trung Quốc, mức thấp nhất trong số các đối tác lớn của nước này, bao gồm Nhật Bản, Mỹ, EU và Ấn Độ. Trong số những người được hỏi, 36% cho biết "sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc có thể được sử dụng để đe dọa lợi ích và chủ quyền của Indonesia".
Trong lĩnh vực an ninh, Indonesia nhấn mạnh hợp tác quân sự với Mỹ, nhưng nước này lo ngại về lập trường của Mỹ đối với Đông Nam Á. Dư luận Indonesia tin rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hủy chuyến công du tới nước láng giềng Papua New Guinea vào tháng 5 khi ông tập trung vào các cuộc đàm phán nâng trần nợ công trong nước.
Vào tháng 5, ông Widodo đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Hội nghị thượng đỉnh G7. Nhà lãnh đạo Indonesia sẽ có ít nhất hai lần nữa để nói chuyện với Thủ tướng Kishida trong năm nay tại các hội nghị thượng đỉnh trong khu vực.
Phát biểu về chuyến thăm Indonesia của Nhật hoàng Naruhito, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng chuyến thăm vừa qua sẽ giúp phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Indonesia”.
Theo khảo sát của Viện ISEAS-Yusof Ishak, Nhật Bản được các đối tác của Indonesia tin cậy nhất, với 54%.
Công chúng Indonesia nhìn chung cũng có tình cảm nồng ấm đối với đất nước này. Nền tảng cho mối quan hệ tốt đẹp do hoàng gia Nhật Bản và chính phủ Indonesia đặt ra trong sáu thập kỷ qua có dẫn đến mối quan hệ gần gũi hơn trong tương lai hay không là tùy thuộc vào các chính trị gia.