Đăng kiểm tạm cho ôtô chưa đóng "phạt nguội"
Theo thông tư 16/2021 của Bộ Giao thông Vận tải (thay Thông tư 70/2015), từ 1/10, các xe cơ giới bị cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định (trường hợp quá thời hạn giải quyết sự việc vi phạm mà chủ phương tiện chưa đến xử lý) vẫn được tiếp nhận và đăng kiểm tại các trung tâm. Tuy nhiên, giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định chỉ có hiệu lực 15 ngày.
Cũng từ đầu tháng 10, các chủ xe không cần phải xuất trình bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc như trước đây khi đưa ôtô đi đăng kiểm lần đầu và định kỳ.
Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Đây là nội dung chính trong Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/09/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ bằng tiền, kinh phí trích từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, sẽ giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ 01/10/2021, hoàn thành chậm nhất vào 31/12/2021.
Chính sách hỗ trợ mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa,thay thế cho Nghị định 39/2018/NĐ-CP có hiệu lực thị hành từ 15/10/2021.
Nghị định bổ sung một số khái niệm mới về mạng lưới tư vấn viên; Doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ; Đào tạo trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đào tạo trực tuyến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Doanh nghiệp đầu chuỗi.
Ngoài ra nghị định còn có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Tăng mạnh mức hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp nhỏ và vừa: Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp (trước đây chỉ tối đa 3 triệu đồng); doanh nghiệp nhỏ không quá 100 triệu đồng/năm/doanh nghiệp (trước đây không quá 5 triệu đồng)…
Sinh viên đại học được học trước chương trình thạc sĩ
Quy chế mới này quy định cụ thể tại Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ thay thế cho Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT, có hiệu lực thi hành từ 15/10/2021.
Theo như thông tư, sinh viên đại học có thể được học trước chương trình thạc sĩ. Cho phép tuyển sinh online. Cơ sở đào tạo được tổ chức tuyển sinh trực tuyến khi đáp ứng những điều kiện bảo đâm chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy và công bằng như đối với tuyển sinh trực tiếp.
Cho phép chuyển đổi tín chỉ và đăng ký trước học phần. Đầu ra ngoại ngữ cũng được nâng chuẩn.
Trong một năm các trường sẽ không bị giới hạn số lần tuyển sinh. Tại khoản 1 Điều 6 Quy chế ban hành kèm Thông tư 23 quy định, việc tuyển sinh có thể được tổ chức một hoặc nhiều lần trong năm chứ không còn giới hạn 2 lần mỗi năm như trước.
Xem xét không thu học phí khi thiên tai, dịch bệnh
Nghị định 81/2021 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý và miễn, giảm học phí (có hiệu lực từ 15/10) nêu rõ, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, UBND tỉnh sẽ đề xuất với HĐND xem xét không thu học phí với trẻ mầm non, học sinh phổ thông, sinh viên, nghiên cứu sinh trong khu vực bị ảnh hưởng. Tùy mức độ và phạm vi chịu tác động, thời hạn được miễn học phí sẽ được cân nhắc.
Ngoài ra, Nghị định 81 còn quy định khung học phí (mức sàn - mức trần) với trường mầm non, phổ thông công lập năm học 2022-2023. Từ năm học 2023 - 2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp nhưng không quá 7,5%/năm.
Học sinh được hỗ trợ chi phí học tập sẽ được nhận mức 150.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 50.000 đồng so với trước đây) để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế, không quá 9 tháng một năm học và thực hiện chi trả hai lần trong năm vào đầu các học kỳ của năm học.