Chùa Láng có tên chính là Chiêu Thiền Tự, nằm tại làng Láng, huyện Từ Liêm cũ, nay là quận Đống Đa, cách trung tâm Thủ đô chừng 7km. Theo sử sách ghi lại, chùa được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Sự tích gắn liền với sư Từ Đạo Hạnh- một vị sư tổ Giác Hải với sư Khổng- Minh- Không là 3 vị sư nổi tiếng dưới thời Lý. Từ Đạo Hạnh chính tên là Chu Lôi người làng Láng nay là chùa Nền cũ, bố tên là Từ Vinh, mẹ là Tăng Thị Loan.
Chùa do sư cụ Thích Đàm Huyền 88 tuổi, quê ở Thạch Thất, Hà Tây cũ trụ trì đã 45 năm qua. Còn trợ lý đặc biệt của sư cụ là sư thầy Thích Thanh Tâm cũng đã gắn bó với ngôi chùa hơn 30 năm. Chùa nằm trên diện tích gần 2 hecta, trong khuôn viên từ cổng Tam Quan vào nhà Bát Giác xây dựng thời triều Nguyễn trồng nhiều cây muỗm xanh mướt cùng nhiều cây to cao cổ thụ quý hiếm.
Trong chùa Láng có nhiều pho tượng quý, đặc biệt là hai pho tượng Từ Đạo Hạnh mặc y phục tu hành và pho tượng Lý Thần Tông ngồi trong ngai. Chùa cũng chứa nhiều đồ thờ quý, nhiều tượng cổ quý mang đậm giá trị nghệ thuật. Chùa nằm ở vị trí ngay bên sông Tô Lịch - một con sông gắn liền với thành cổ Thăng Long xưa nên từ khi ra đời, ngôi chùa đã mang cảnh quang trang nghiêm đẹp đẽ.
Trải qua những thăng trầm, biến động qua thời gian và lịch sử nước nhà, chùa Láng đã được trùng tu nhiều lần. Lần trùng tu lớn dưới thời Lê Trung Hưng 1656. Nhưng không vì thế mà ngôi chùa mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Dân gian vẫn còn ca ngợi ngôi chùa mà văn bia còn lưu lại: “Thật là danh lam bậc nhất, thế gian không có chùa nào sánh kịp.
Khí tốt Phượng thành bên hữu toả khắp, dòng sông Tô Lịch bên tả lượn vòng, Nhị Hà nghìn dặm quanh Kinh đô uốn khúc, như rồng xanh lớp lớp chầu về, Tản Viên dãy núi đầy khí đẹp hướng vào, như hổ trắng đàn đàn đến họp”.
Chùa Láng được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngày nay, chùa là một danh lam thắng cảnh của Thủ đô và quốc tế đến tham quan chiêm ngưỡng. Người dân quanh vùng không ai là không nhớ câu ca: Nhớ ngày mồng bảy tháng Ba/Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy...