Sáng 3/7, Tòa án Nhân dân quận Nam Từ Liêm đưa ra xét xử thêm một vụ khách hàng kiện Keangnam.
Tương tự như vụ kiện trước đó, tranh chấp giữa bà Bảo Quyên và Keangnam cơ bản là về vấn đề thanh toán bằng ngoại tệ USD và diện tích căn hộ. Bà Quyên cho rằng, việc Keangnam quy định việc thanh toán bằng ngoại tệ là vi phạm quy định pháp luật về quản lý và sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.
Keangnam Vina lại bị kiện vì vi phạm hợp đồng. |
Keangnam không có chức năng được sử dụng ngoại tệ trong việc mua bán, giao dịch nhưng vẫn quy định giá căn hộ và các đợt thanh toán bằng USD. Bản thân Keangnam đã từng bị Ngân hàng Nhà nước kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi định giá bằng ngoại tệ trong các hợp đồng mua bán căn hộ. Do đó, bà Quyên đã yêu cầu Keangnam điều chỉnh lại điều khoản giá căn hộ sang VND và trong thời gian chờ đợi Keangnam điều chỉnh giá căn hộ, bà Quyên sẽ tạm dừng thanh toán. Tuy nhiên, Keangnam không chấp nhận điều này.
Về diện tích, theo hợp đồng, căn hộ A610 có diện tích 118,75m2, phương pháp đo từ tim tường đến tim tường và diện tích sử dụng thực tế của căn hộ là không thay đổi. Diện tích này là diện tích được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ.
Bà Quyên cho rằng, với những quy định trong hợp động, quy định của pháp luật có liên quan, có thể thấy rằng, diện tích căn hộ mà khách hàng đã mua là diện tích được tính từ tim tường đến tim tường và không bao gồm diện tích chung. Tuy nhiên, khi căn hộ hoàn thành và xem xét thực tế, bà Quyên phát hiện ra rằng, căn hộ mà Keangnam bàn giao thiếu diện tích so với hợp đồng. Căn hộ bao gồm cả diện tích chung như cột, hộp kỹ thuật, hộp cứu hỏa…
Tổng diện tích còn thiếu của 2 căn hộ so với hợp đồng lên đến 45,61m2. Với mức giá trên 50 triệu đồng/m2 thì bà Quyên chịu thiệt trên 2 tỷ đồng.
Bà Quyên đề nghị Tòa án hủy bỏ hợp đồng mua bán căn hộ giữa bà và Keangnam do vi phạm điều cấm của pháp luật. Bà Quyên cũng đòi Keangnam phải trả số tiền hơn 4,7 tỷ đồng bao gồm tiền mua căn hộ đã nộp cho Keangnam, bồi thường thiệt hại do chênh lệch tỷ giá, lãi suất…
Trước đó, Tòa án Nhân dân quận Nam Từ Liêm cũng đã đưa ra xét xử vụ án bà Tạ Vân T. khởi kiện Keangnam. Tranh chấp giữa bà T. và Keangnam có nội dung tương tự như vụ kiện của bà Bảo Quyên bao gồm 2 vấn đề Keangnam vi phạm quy định về quản lý ngoại hối và vi phạm thỏa thuận của hợp đồng, bàn giao căn nhà thiếu diện tích.
Chung cư Keangnam đi vào hoạt động năm 2011, với hơn 900 căn hộ cao cấp, giá bán trung bình 60 triệu đồng mỗi m2. Chung cư hiện có 70% diện tích để ở, còn lại được các chủ hộ dùng để cho thuê hoặc kinh doanh thương mại. Từ khi tòa nhà vận hành, đã có nhiều bất đồng giữa cư dân và chủ đầu tư về diện tích, mức phí gửi xe và một số dịch vụ khác... Những tranh chấp liên quan đến phí bảo trì cũng nảy sinh từ cuối năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Hoàng Thúy (t/h)
>>> Xem thêm:
TP HCM: Tháp quan sát Emprie City sẽ “vượt mặt” Keangnam Landmark 72
Hà Nội: Yêu cầu chủ đầu từ Keangnam phải trả 2% phí bảo trì cho cư dân