Chủ tịch Quốc hội dự Lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Học viện Tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sáng 19/11, tại Hà Nội, Học viện Tài chính tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển; đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ ba).
Chủ tịch Quốc hội dự Lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Học viện Tài chính

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện một số bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các Học viện, Trường đại học; các thế hệ lãnh đạo, thầy cô giáo, cán bộ, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên Học viện… đã dự Lễ.

Tại Lễ kỷ niệm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Tài chính Nguyễn Trọng Cơ ôn lại lịch sử 60 năm hình thành và phát triển của Học viện. Học viện đã đào taọ được khoảng 15.000 nhân lực chất lượng cao cho đất nước, trong đó có trên 500 tiến sĩ, gần 10.000 thạc sĩ kinh tế cho đất nước và nước bạn Lào, Campuchia…

60 năm xây dựng và phát triển

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ xúc động, niềm tự hào khi trở lại mái trường được đào tạo, rèn luyện trong thời gian theo học Khóa 12 (Khoa Kế toán); đồng thời có gần 23 năm làm công tác tại đây, từ vị trí giảng viên, Trưởng khoa đến Phó Hiệu trưởng. Chủ tịch Quốc hội gửi tới tập thể Học viện, các nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ, viên chức, sinh viên, học viên Học viện qua các thời kỳ lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Chủ tịch Quốc hội đã điểm lại những mốc lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển 60 năm qua của Học viện. Các thế hệ thầy và trò nhà trường luôn giữ vững sự đoàn kết, nỗ lực, vượt qua mọi thách thức, viết nên truyền thống vẻ vang, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà trường là đơn vị đi đầu trong đổi mới hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học; 10 năm liền là đơn vị xuất sắc của ngành Tài chính; có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học chất lượng tốt, đóng góp vào quá trình hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, hoạch định chính sách, cơ chế kinh tế - tài chính của các Bộ, ngành.

Với những đóng góp quan trọng, Học viện đã vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất (3 lần), Huân chương ISALA hạng Nhất của Lào và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết Đại hội XIII đã đặt ra tầm nhìn chiến lược, đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, trong đó xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Chất lượng đào tạo đại học và sau đại học đóng vai trò quyết định tới chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; là chìa khóa để thúc đẩy tăng năng suất lao động, duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Giáo dục đại học Việt Nam nói chung và Học viện Tài chính nói riêng cần ý thức sâu sắc về sứ mệnh và trách nhiệm cao cả này đối với đất nước.

Biểu dương những thành tích của nhà trường, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển là sự kiện lớn của Học viện Tài chính, mở ra một chặng đường phát triển mới; đồng thời ghi nhận và đánh giá cao Học viện đã tập hợp và phát huy được trí tuệ, tâm huyết của đông đảo các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, nhất là các nhà giáo lão thành, các cựu sinh viên góp ý, hiến kế cho Chiến lược phát triển Học viện giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Không ngừng đổi mới tư duy, thích ứng với yêu cầu của thời đại

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Học viện tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; cụ thể hóa sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển nhà trường tới năm 2030 bằng những chương trình, kế hoạch hành động trong từng giai đoạn và từng năm gắn với trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân trong hệ sinh thái Học viện Tài chính.

Học viện làm rõ hơn mục tiêu trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo định hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ; Xác định rõ mô hình phát triển; rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phát triển hệ sinh thái nhà trường; nghiên cứu thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ, cung cấp dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán mà nhà trường có thế mạnh.

Học viện không ngừng đổi mới tư duy, tạo ra thay đổi mới để thích ứng với yêu cầu của thời đại; làm mới, phát huy chương trình đào tạo truyền thống, có thế mạnh, không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, nhất là công nghệ số, tạo ra thay đổi đột phá cả về nội dung, phương pháp và công nghệ đào tạo để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với các trường đại học trong nước và khu vực. Học viện mạnh dạn xây dựng các chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và xu thế phát triển của thời đại.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Học viện Tài chính phải là một trong những đơn vị tiên phong, thực hiện tự chủ đại học hiệu quả nhất, đặc biệt là tự chủ về tài chính; phát huy nội lực, tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển nhà trường. Sớm hình thành mạng lưới cựu sinh viên, cựu giáo chức của trường để tạo ra sức mạnh tổng hợp, coi đây là một thành viên trong hệ sinh thái của trường”.

Cùng với đó, Học viện vận hành hiệu quả Quỹ phát triển giáo dục Tâm - Tài - Chính; dành nguồn lực thỏa đáng để cấp học bổng cho sinh viên nghèo, sinh viên xuất sắc, hỗ trợ phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để Học viện thực sự là một trung tâm đổi mới sáng tạo có chất lượng và uy tín của cả nước.

Nhấn mạnh “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, theo Chủ tịch Quốc hội, trong nguồn lực phát triển nhà trường, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định. Do đó, Học viện Tài chính tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng Học viện là một trong những trung tâm lớn của cả nước về “thu hút nhân tài, bồi dưỡng nhân tâm, hoàn thiện nhân cách, phát triển nhân lực”, để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo xứng tầm đáp ứng yêu cầu tình hình mới trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, kế toán.

Học viện thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi trong và ngoài nước làm giảng viên thỉnh giảng; đồng thời có chính sách thu hút, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo các sinh viên xuất sắc, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, có trình độ ngang tầm với các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu trong nước.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, hợp tác, trao đổi về đào tạo và nghiên cứu; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức vào việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo. Học viện định kỳ tổ chức khảo sát về thị trường việc làm, phân tích, tiếp thu ý kiến phản hồi của các đơn vị sử dụng lao động.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm, ưu tiên các nguồn lực và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Học viện Tài chính phát triển, có đủ tiềm lực để đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển giao tri thức phục vụ trực tiếp cho sự phát triển của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong 60 năm qua, nhiều sinh viên tiêu biểu của Học viện đã trưởng thành, giữ trọng trách trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước từ Trung ương tới địa phương; rất nhiều người đã và đang là cán bộ nòng cốt của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Nhà trường tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên học tập, tham gia nghiên cứu khoa học; quan tâm, chăm lo cho các sinh viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa và có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao tặng Học viện Tài chính 60 bộ máy tính và trang thiết bị phục vụ giảng dạy; trao 100 triệu đồng ủng hộ Quỹ Phát triển giáo dục Tâm - Tài - Chính của Học viện.

Tại buổi lễ, Học viện công bố quyết thành lập Quỹ Phát triển Giáo dục Tâm - Tài - Chính và vinh danh những Nhà giáo tiêu biểu qua các thế hệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.