Những ngày qua, thông tin chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) thông qua thỉnh pháp “oan gia trái chủ” có thể chữa được bách bệnh và giải trừ được mọi đen đủi hay phiền muộn nơi trần thế, khiến nhiều người xôn xao.
Chẳng hạn như “đau xương khớp do 4 kiếp trước hay giết mèo nên kiếp này bị vong mèo theo báo oán cho đau nhức toàn thân. Muốn khỏi thì phải tu tập ít nhất 49 ngày kèm công đức 3 triệu đồng. Bị ung thư vú, 42 kiếp trước không chăm sóc em gái, lại làm nhiều việc ác như cướp đất nên kiếp này, vong về oán cho phải bệnh. Muốn khỏi, phải đóng vào chùa 7,1 triệu đồng”.
Cách chữa bệnh kiểu "thỉnh vong" trên được "người nhà chùa" Ba Vàng (Quảng Ninh) rao giảng cho nhiều người dân. Bằng cách cắt nghĩa việc mắc bệnh của con người là do “nghiệp”, “người nhà chùa” nói rằng người bệnh muốn yên ổn thì phải “thỉnh vong”, “hóa giải”, “công đức”.
Mới đây nhất, vào chiều qua (21/3), trụ trì chùa Ba Vàng là Đại đức Thích Trúc Thái Minh mời rất nhiều bệnh nhân lên chia sẻ về quá trình bệnh tật của mình, trong đó hầu hết nói khỏi bệnh nhờ "oan gia trái chủ”.
Trước những thông tin trên, PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc BV K cho rằng, không thể chấp nhận việc tuyên truyền cúng bái, lễ lạt có thể khỏi bệnh.
“Có bệnh phải vái tứ phương thật nhưng chữa bệnh phải có căn cứ khoa học. Nếu cúng lễ mà khỏi bệnh thì không ai đến đến bệnh viện điều trị nữa”, PGS Quảng nêu quan điểm.
PGS. TS Lê Văn Quảng - PGĐ Bệnh viện K. (Ảnh: VTC News) |
Theo PGS Quảng, BV cũng đã gặp không ít các trường hợp bị ung thư, đang điều trị nhưng rồi bỏ ngang đề về nhà cúng bái, điều trị thuốc nam. Đến khi bệnh trở nặng, quay lại đã quá muộn, lúc đó bác sĩ chỉ có thể điều trị giảm nhẹ triệu chứng.
Cũng theo vị bác sĩ này, việc chữa trị ung thư hiện nay tại bệnh viện nếu bệnh nhân được phát hiện sớm bệnh, tin tưởng và thực hiện theo đúng phác đồ, chỉ định điều trị của bác sĩ thì kết quả sẽ rất khả quan.
Về thông tin nhiều người bị ung thư sau khi thỉnh “oan gia trái chủ” ở chùa Ba Vàng đã khỏi bệnh, bác sĩ Quang cho biết, việc này cần kiểm chứng, xem xét, điều tra kỹ càng, bởi thực tế thì vẫn có thể xảy ra những vấn đề về sai số dẫn đến chẩn đoán không chính xác.
“Chẩn đoán ung thư cần có nhiều phương pháp kết hợp. Ngay như BV chúng tôi, có trường hợp ban đầu chẩn đoán ung thư nhưng 1-2 tiếng sau khi xem xét thêm nhiều xét nghiệm khác thì ra bệnh khác. Có thể có nhiều trường hợp bệnh nhân mới xem chẩn đoán ban đầu, sau bỏ về tự điều trị khỏi nên nghĩ đã khỏi ung thư nhưng thực tế ban đầu bị bệnh khác
Người bệnh điều trị ung thư phải tuân thủ đúng theo đúng phác đồ với các phương pháp khoa học đã được chứng minh như phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, điều trị nhắm trúng đích... mới mong có được hiệu quả”, bác sĩ Quảng nhấn mạnh.