Theo báo cáo, tổng cộng 35 ca bệnh liên quan đến virus này đã được phát hiện tại tỉnh Sơn Đông và Hà Nam của Trung Quốc là những vùng ghi nhận các ca mắc bệnh liên quan virus này, với tổng cộng 35 ca. Hầu hết ca bệnh làm nghề nông, được xác định qua hệ thống phát hiện bệnh đối với các trường hợp có triệu chứng sốt cao và tiền sử tiếp xúc với động vật.
Virus trên có tên khoa học là Langya henipavirus hoặc LayV. Đa số các trường hợp dương tính với virus LayV thường có triệu chứng như sốt, mệt mỏi, ho, buồn nôn và đau đầu, trong khi một số trường hợp gặp tình trạng tế bào máu phát triển bất thường và suy giảm chức năng gan và thận.
Theo báo cáo, lịch sử truy vết nguồn lây không ghi nhận tiếp xúc gần hoặc phơi nhiễm chung giữa các bệnh nhân, do đó có khả năng quá trình lây nhiễm xảy ra đơn lẻ. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết quy mô xét nghiệm "quá nhỏ" để có thể đi đến kết luận về khả năng lây nhiễm virus LayV giữa người với người.
Các chuyên gia ở Trung Quốc, Singapore và Australia tham gia nghiên cứu trên kêu gọi giới khoa học tiến hành thêm nghiên cứu để hiểu hơn về căn bệnh do loại virus này gây ra. Bà Linfa Wang thuộc Trường Y Duke-NUS ở Singapore cho biết chưa ghi nhận ca tử vong hoặc chuyển nặng do dương tính với loại virus này.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh truyền nhiễm từ động vật là các căn bệnh do động vật lây cho con người, hiện chiếm một tỷ lệ lớn các loại bệnh mới được phát hiện hoặc đã có từ lâu ở con người.
Một số loại virus có thể được ngăn ngừa thông qua tiêm chủng, trong khi một số virus gây bệnh khác phát triển thành chủng mới chỉ lây nhiễm ở người hoặc gây ra các đợt tái bùng phát dịch bệnh.