Theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm, chỉ sử dụng thông tin cá nhân đã thu thập vào mục đích khác mục đích ban đầu sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân. Không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân mà mình đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội): Nguồn thông tin cá nhân đang được rao bán từ đâu ra?
Mua bán thông tin cá nhân (TTCN) là loại tội phạm mới, chưa thể áp dụng Bộ luật Hình sự mà cần nghiên cứu đánh giá kỹ về những hệ lụy nó gây ra cho xã hội. Hệ quả nhãn tiền đó là mỗi ngày người dân nhận được hàng chục cuộc điện thoại quấy rầy, làm phiền. Nguồn gốc của các TTCN đang được rao bán từ đâu ra? Chắc chắn phải xuất phát từ các doanh nghiệp khi họ thu thập thông tin của khách hàng trong quá trình cung cấp dịch vụ. Do đó, cũng cần có các quy định cụ thể và chế tài để xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp nếu phát hiện việc chưa áp dụng các biện pháp bảo vệ thông tin khách hàng tương xứng với mức độ cần thiết.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Bịt lỗ hổng pháp lý
Đã là thông tin mang tính chất cá nhân thì phải được bảo mật, và nếu lộ lọt thông tin ra ngoài thì trước tiên DN đó phải chịu trách nhiệm về việc này. Tuy nhiên, tôi được biết hiện những thông tin bị lộ lọt như vậy, hiện nay pháp luật lại chưa quy định rõ ràng về việc này.
Cần phải có biện pháp, có chế tài xử lý và tới đây chắc phải có quy định gì về mặt pháp lý, bịt lỗ hổng lại, để những vấn đề gì là thông tin cá nhân cần thì buộc phải giữ bí mật. Quyền tài sản và thông tin cá nhân cần được bảo vệ. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cũng cần đề xuất, nếu chưa có luật thì phải có pháp lệnh, hay nghị định, chế tài cho việc này