Những “lá chắn thép”
Từ TP Vinh, phải vượt gần 300km đèo dốc quanh co, hiểm trở chúng tôi mới đến được Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thời điểm cả nước đang chung tay đẩy lùi dịch Covid-19.
Bên cái rét thấu xương của những đợt không khí lạnh tăng cường, chia sẻ về nhiệm vụ trực chiến, tuần tra biên giới, phòng chống dịch Covid-19 của đơn vị, đại úy Ngô Quang Hiếu, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn cho biết, đơn vị nhận nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và quản lý gần 30km đường biên giáp với Lào. Do địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở, đường tiểu ngạch nên đơn vị đã lập 6 chốt kiểm soát với 29 cán bộ, chiến sĩ cơ động 24/7 để ngăn người vượt biên trái phép. “Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, mỗi cán bộ, chiến sĩ của Đồn luôn xác định nhiệm vụ bảo vệ biên giới và ngăn người vượt biên trái phép để phòng, chống dịch bệnh, không chủ quan, không lơ là, bất ngờ trước mọi tình huống” - đại úy Hiếu nói.
Chiến sĩ biên phòng tỉnh Nghệ An trong chuyến tuần tra. Ảnh: Thế An/Kinh tế & Đô thị |
Rời Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, chúng tôi đến với chốt tuần tra số 3 nằm ở bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn khi trời đã nhá nhem tối. Giữa lưng chừng núi đồi, mây mù giăng kín, căn chốt nhỏ hơn chục mét vuông được làm bằng khung thép và đóng kín tôn nằm cheo leo. Trong cái lạnh cắt da cắt thịt, 5 cán bộ, chiến sĩ tại chốt xuất hiện từ lối mòn dọc đường biên sau chuyến tuần tra trở về. Họ lại xắn tay lên nấu bữa tối bên bếp lửa hồng. Dưới suối, từng người xách nước lên lán dự trữ, những người còn lại thì chăm sóc vườn rau tăng gia giữa những ngày lạnh cóng.
Đại úy Nguyễn Cảnh Thảo, Chốt trưởng, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn cho biết, chốt có 5 người được phân công tuần tra, kiểm soát 2,5km đường biên giới. “Hơn một tháng các chiến sĩ được luân chuyển từ chốt này sang chốt khác. Bởi nhiệm vụ cần kíp nên cũng lâu lắm rồi nhiều anh em chưa thể về thăm gia đình dù xa hay gần. Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện gia đình nhưng với nhiệm vụ bảo vệ biên giới và đẩy lùi dịch bệnh, ai nấy đều phải gác lại tình cảm riêng tư, gia đình để đảm bảo công việc. Chúng tôi, những người lính biên phòng luôn sẵn sàng thức vì sự bình yên của đất nước” - Đại úy Thảo tâm sự.
Trắng đêm canh chốt
Đêm ở vùng biên, sương mù giăng kín lối, sau bữa cơm ấm áp bên bếp lửa hồng, các chiến sĩ chuẩn bị lên đường tuần tra. Giữa chốn núi rừng hoang vu không có gì khác ngoài tiếng gió xào xạc, tiếng ếch nhái cùng tiếng suối chảy len qua khe đá đã dần hòa với từng bước chân, khẩu hiệu của những người lính đều răm rắp.
Trong ánh đèn pin le lói, những người lính “quân hàm xanh” bám sát nhau giữa màn sương mù dày đặc. Đôi giày lấm lem bùn đất nhưng những bước chân của các anh vẫn chắc nịch đi qua từng lối mòn trơn trượt dọc đường biên để ngăn người vượt biên trái phép, phòng dịch Covid-19. Kết thúc tuần tra, các chiến sĩ lại trở về tiếp tục gác lán khi làng, bản đã chìm sâu trong giấc ngủ. Trên con đường mòn vắng lặng ấy vẫn còn in dấu chân của những chiến sĩ Bộ đội Biên phòng.
Trung tá Trịnh Văn Quế - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn cho biết, thời gian qua đồn phát hiện, xử lý 50 vụ với 77 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép; làm thủ tục nhập cảnh, đưa đi cách ly 2.982 người từ Lào về nước. “Mùa này là thế, ngày cũng như đêm sương mù dày đặc, gió lùa lạnh lắm nên ngoài việc tuần tra đường biên như thường lệ, anh em phải cắt ca chia nhau trực chốt. Cũng vì địa hình nhiều đường mòn, lối mở mà nhiều người liều lĩnh chọn lúc không tuần tra để vượt qua biên giới"- trung úy Hắp Văn Thoong vừa kết thúc buổi tuần tra trở về đồn chia sẻ. Theo trung úy Thoong, dù Tết đã cận kề nhưng với họ nhiệm vụ chưa hoàn thành, dịch bệnh chưa đẩy lùi thì chưa thể yên tâm trở về đón Xuân. Với họ, Tết bình yên nhất là không có người vượt biên trái phép, dịch bệnh được đẩy lùi.