Chương trình Kỷ niệm 320 năm Biên Hòa Đồng Nai: Nơi giao thoa nghệ thuật truyền thống

(Ngày Nay) - Hưởng ứng kỷ niệm 320 năm Biên Hòa - Đồng Nai, nhiều cơ quan, đơn vị, các tổ chức và doanh nghiệp đã có những hoạt động thiết thực nhằm góp phần mang lại không khí lễ hội cho địa phương trong những ngày này cũng như đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá phong phú, đa dạng của người dân. Bên cạnh những chương trình nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc Nam Bộ, tại lễ hội, từ ngày 28-30/12/2018 có sự tham gia của Nhà hát Chèo Nam Định với những tiết mục đặc sắc mang đậm văn hóa đồng châu thổ sông Hồng.
 Hoạt động văn hóa - văn nghệ tại Văn miếu Trấn Biên.
Hoạt động văn hóa - văn nghệ tại Văn miếu Trấn Biên.

Hát chèo là loại hình nghệ thuật truyền thống với sự kết hợp giữa hát, múa, nhạc, kịch, đậm đà bản sắc văn hoá Bắc Bộ mà không phải người miền Nam nào cũng biết và có dịp thưởng thức trực tiếp. Do đó, đây là “cơ duyên” của Nhà hát Chèo Nam Định khi được giao lưu nghệ thuật với người dân Biên Hòa - Đồng Nai, và cũng là dịp để người dân nơi này được thưởng thức  trực tiếp một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Đặc biệt, Nhà hát Chèo Nam Định là đại diện cho chiếng chèo Nam - một trong bốn chiếng chèo nổi danh của xứ Bắc với hàng chục đội chèo và hàng trăm nghệ sỹ chèo nổi tiếng. Trong những năm qua, tại các cuộc thi tài năng trẻ hoặc tại các cuộc liên hoan chèo toàn quốc, các Nghệ sỹ chèo Nam Định luôn phát huy năng lực, dành được nhiều giải thưởng, nhiều huy chương vàng, huy chương bạc ... tiếp tục làm rạng danh truyền thống đất Thành Nam.

Chương trình Kỷ niệm 320 năm Biên Hòa Đồng Nai: Nơi giao thoa nghệ thuật truyền thống ảnh 1

Các nghệ sĩ nhà hát chèo Nam Định.

Ý tưởng mang chèo Bắc Bộ tham gia lễ kỷ niệm 320 năm hình thành và phát triển Biên Hoà - Đồng Nai xuất phát từ tình cảm đặc biệt của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu giành cho vùng đất này. Nhiều lần thăm Đồng Nai, Giáo sư đã tặng cho Đồng Nai những món quà vô giá, có thể  nói ý nghĩa nhất là bài văn bia Văn miếu Trấn Biên, các câu đối đặt trong nhà Bái đường năm 2002. Trong nội dung văn bia, đoạn thứ 8 ông viết: Tương lai tươi sáng hàm chứa nhiều giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà trong hiện tại và cả tương lai: “Nẻo tương lai đã rực hào quang/Đường phấn đấu còn đầy thách đố./Kỷ nguyên trí tuệ: được thua do đầu óc thông minh/Hội nhập toàn cầu: thành bại ở tài năng thi thố!/Xây lại miếu trên nền tảng mới: thu tinh hoa hiện đại tự ngàn phương/Dựng thêm bia giữa nước non này: lưu truyền thống tiền nhân cho vạn thuở./Tổ Hùng Vương cơ nghiệp trường tồn/Hồ Chủ tịch công huân bất hủ./Thành đồng Tổ quốc mãi mãi vẻ vang/Hào khí Đồng Nai đời đời rực rỡ”.

Chương trình Kỷ niệm 320 năm Biên Hòa Đồng Nai: Nơi giao thoa nghệ thuật truyền thống ảnh 2

Xuất thân từ quê hương Nam Định, cái nôi văn hoá đồng bằng Bắc Bộ, là con trai út của GS Vũ Khiêu, ông Vũ Văn Trường – CTHĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc nhiều lần được đồng hành cùng Giáo sư đến Đồng Nai, yêu thương vùng đất này và ông coi đây như quê hương thứ hai của mình. Ông Trường chưa bao giờ rời xa văn hoá truyền thống dân tộc, quê hương mình, ông rất tâm đắc và nỗ lực trong việc đưa Chèo Bắc Bộ đến với "Hào khí Đồng Nai”, đến với bà con, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, các cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị đóng quân trên địa bàn thành phố. Ý tưởng này của ông đã được lãnh đạo thành phố Biên Hòa cũng như lãnh đạo tỉnh Đồng Nai  chấp thuận và được các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Nam Định hưởng ứng, nhiệt tình tham gia biểu diễn. 

Chương trình Kỷ niệm 320 năm Biên Hòa Đồng Nai: Nơi giao thoa nghệ thuật truyền thống ảnh 3

Nghệ sĩ Diệu Hằng - GĐ Nhà hát Chèo Nam Định.

Trong khuôn khổ chương trình, Nhà hát Chèo Nam Định sẽ biểu diễn phố tại đi bộ Nguyễn Văn Trị (tối 27/12), Văn Miếu Trấn Biên (tối 29/12) và Khu Công nghiệp, phường An Bình (tối 30/12) với các tiết mục như: diễn xướng ba giá hát văn hầu đồng (Cô Đôi Thượng Ngàn, Chúa Thác Bờ và Cô Bé), trích đoạn Thị Mầu lên chùa, trích đoạn Nghêu - Sò - Ốc - Hến cùng nhiều tiết mục hát múa tiêu biểu, đặc sắc của nghệ thuật Chèo. Ngoài ra, Nhà hát Chèo Nam Định biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 935 – sư đoàn 370, Lữ đoàn pháo binh 75 cùng một số đơn vị khác. Đây thực sự là món quà nghệ thuật truyền thống nhiều ý nghĩa và  quý giá với cán bộ, chiến sĩ nói riêng, người dân Biên Hòa nói chung.

TIN LIÊN QUAN
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.