TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Việt Nam bắt đầu triển khai thí điểm điều trị Methadone tại TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh từ tháng 4-2008. Sau đó mở rộng ra một số tỉnh, TP khác. Đến nay, 63 tỉnh, TP trên toàn quốc đã triển khai điều trị cho hơn 52.000 bệnh nhân, với hình thức cơ sở điều trị toàn diện và cấp phát thuốc tuyến xã. Việc điều trị Methadone tại nước ta thời gian qua có hiệu quả tích cực. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma tuý giảm từ khoảng 30% (2001-2002) xuống còn 9,5% (năm 2016). Tổng số trường hợp nhiễm mới HIV hàng năm giảm từ khoảng 30.000 ca từ những (2006-2007) xuống còn khoảng 10.000 ca (năm 2015).
Ngoài ra, theo Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, việc sử dụng Methadone còn giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp. Trước khi tham gia điều trị 100% bệnh nhân sử dụng Heroin, sau 24 tháng tỷ lệ này chỉ còn 15,8%; trước điều trị hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 93,6% bệnh nhân sử dụng trên 3-5 lần/ngày, tuy nhiên sau 24 tháng điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ còn từ 2-3 lần/tháng. Bên cạnh đó, theo ước tính, nếu không tham gia điều trị Methadone, trung bình một người nghiện tiêu tốn 230.000 đồng/ngày mua heroin (84 triệu đồng/năm). Như thế, với hơn 52.000 bệnh nhân đang điều trị Methadone, chương trình đã tiết kiệm được cho xã hội 4.372 tỷ đồng/năm (nếu tính từ thời điểm thí điểm năm 2008 cho đến nay, chương trình đã tiết kiệm cho xã hội khoảng 22.870 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) - TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.
Việc điều trị Methadone thời gian qua giúp làm giảm mạnh lây truyền HIV qua đường máu nhất và các trường hợp nhiễm HIV mới. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma tuý giảm từ khoảng 30% năm 2001-2002 xuống còn 9,5% năm 2016 và tổng số trường hợp nhiễm mới HIV hằng năm giảm từ khoảng 30.000 ca từ những năm 2006-2007 xuống còn khoảng 10.000 ca năm 2015.