Gần một tuần trôi qua kể từ chuyến đi, giờ đây ngồi và hồi tưởng lại những gì đã trải qua trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc, vui buồn lẫn lộn. Đối với tôi mà nói, đây thật sự là một chuyến đi đầy ý nghĩa.
Dưới sự dẫn dắt của ni cô Diệu Tịnh, chúng tôi khởi hành đến xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) từ sáng sớm. Chiếc xe 30 chỗ chở theo gạo, mì tôm, quần áo và tiền quyên góp của các thành viên trong đoàn (khoảng gần 20 người gồm cả người Bắc và người Nam) với mong muốn gửi chút quà đến cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sông nước.
Địa điểm đầu tiên mà chúng tôi ghé thăm là ngôi chùa Liên Sơn ở ấp 5, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) do Đại đức Thích Chơn Nguyên trụ trì. Theo lời kể của Đại đức Nguyên, nơi đây vốn là vùng đất bị cô lập do lòng hồ Trị An chia cắt. Đời sống của người dân cũng như việc đi học của trẻ con ở đây gặp nhiều khó khăn, nhất là những đứa trẻ ở dưới khu nhà bè. Chúng là những đứa trẻ người Việt hồi hương từ Campuchia. Khi ở bên Campuchia chúng sống cùng cha mẹ tại vùng Biển Hồ mênh mông nước. Còn khi về Việt Nam, chúng lại sống cùng cha mẹ tại vùng hồ thủy điện Trị An. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau kèm theo việc không có đủ giấy tờ tùy thân nên những đứa trẻ này không được đi học.
Lòng hồ thủy điện Trị An, nơi nhà bè gia đình các em chung sống. |
Thấu hiểu nỗi khó khăn ấy, Đại đức Thích Chơn Nguyên đã nghĩ đến việc mở lớp dạy chữ, dạy đạo lý cho đám trẻ với mong muốn con chữ sẽ giúp chúng tìm được một tương lai tươi sáng hơn.
“Tôi dạy các em biết chữ chứ tôi không cấp bằng cấp được. Khi chúng đủ lớn, tôi sẽ liên hệ với các nơi tuyển dụng lao động, cố gắng đưa các em vào công ty làm việc như bao công nhân khác. Tuy rất khó khăn nhưng phải làm, vì nếu không làm sẽ không biết tương lai của các em ra sao. Đó cũng là cách tốt nhất tôi có thể nghĩ được cho đến lúc này”, Đại đức Thích Chơn Nguyên chia sẻ.
Không chỉ dạy chữ, dạy hát, Đại đức Thích Chơn Nguyên còn dạy cho những đứa trẻ nơi đây nhiều kỹ năng sống và thói quen sinh hoạt lành mạnh, trong đó, đáng chú ý nhất là tập cho các em không nói tục và giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ăn ở sạch sẽ.
Đại đức Thích Chơn Nguyên tiếp lời: “Những ngày đầu đi học mấy đứa nhỏ rất hay nói tục. Vì vậy, tôi đề ra nội quy, mỗi lần có em nào nói tục, tôi phạt đứng tại chỗ. Những lúc mấy đứa nhỏ ngủ trưa, tôi nhờ người trông coi giùm lớp để chèo xuồng tới từng nhà bè nói với cha mẹ các em không dùng từ ngữ tục để nói chuyện khi có mặt con trẻ. Đến bây giờ không còn em nào nói tục nữa mà cha mẹ các em cũng giảm hẳn”.
Đoạn đường sông gần 30km. |
Kết thúc cuộc chò truyện với Đại đức Nguyên tại chùa Liên Sơn, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến khu nhà bè. Từ chùa Liên Sơn chúng tôi đi xuồng thêm 30km nữa mới tới được nơi này. Điều ngỡ ngàng nhất khi chúng tôi đặt chân đến đây đó chính là có rất nhiều người già và trẻ em sinh sống tại nơi này. Thế nhưng, đó chưa phải là điều đau lòng nhất khi chúng tôi chứng kiến nhiều đứa trẻ bị tàn tật, thiểu năng sống lênh đênh trên nhiếc chiếc bè mà chúng gọi đó là nhà.
Nén nỗi đau và nước mắt vào trong, chúng tôi đến gần hơn với những đứa trẻ giao lưu, trò chuyện và phát quà. Nhận món quà nhỏ trên tay mà chúng nói cười ríu rít khiến chúng tôi cũng vui lây. Thủ thỉ với tôi, em Trần Thị Cầm (8 tuổi) cho hay: “Được thầy Nguyên dạy học chữ nên con vui lắm. Nếu như trước đây cầm cuốn truyện tranh trên tay, con chỉ nhìn hình thì nay con đã biết đọc chữ”.
Mải trò chuyện, chúng tôi quên mất giờ ăn trưa nên đã được Đại đức Thích Chơn Nguyên chuẩn bị cho một bữa ăn chay tại nhà bè. Bữa ăn ấy không phải là những món sơn hào hải vị hay cao lương mỹ vị nhưng chúng tôi ăn vẫn thấy ngon miệng đến lạ lùng. Sau bữa ăn trưa, chúng tôi lên xuồng trở lại chùa Liên Sơn. Và trở về TP. Biên Hòa khi màn đêm đã buông xuống.
Hành trình thiện nguyện của đoàn đã kết thúc nhưng trong đoàn ai cũng ngậm ngùi xót xa. Những hình ảnh các cụ già, các em nhỏ khuyết tật vẫn hiển hiện trong đầu mỗi thành viên… Đúng là cuộc sống vốn rất mong manh, hãy biết yêu thương và trân trọng những gì mình đang có.
Một số hình ảnh trong chuyến đi:
Anh Lê Nho Đảng ở Đồng Nai mua 50 thùng mỳ và đi cùng đoàn trao tận tay cho các con |
Vận chuyển đồ xuống xuồng |
Ni cô Diệu Tịnh và Đại đức thích Trung Tiến, hai người hỗ trợ và khỏi sướng chuyến đi này |
Bà Phạm Thị Yến, đại diện Trung tâm nghiên cứu văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc trao tiền cho nhà chùa. |
Nhân duyên đoàn thiện nguyện Bắc – Nam. Đặc biệt đứng gần giữa là cụ Nguyễn Thị Tiến 90 tuổi, đứng chống ô. |
Các em đủ các lứa tuổi trên bè cùng học, cùng ăn và cùng ngủ trưa |