Theo ghi nhận, ảnh hưởng của bão số 13 đối với TP. Đà Nẵng là không đáng kể. Ngay từ sáng sớm, các tuyến đường trên toàn thành phố đều có thể lưu thông. Cây xanh ngã đổ không nhiều, chủ yếu tập trung vào các xã thuộc huyện Hòa Vang.
Ở khu vực giáp biển là đường Nguyễn Tất Thành và Võ Nguyên Giáp, mưa bão khiến sóng đánh mạnh làm hư hỏng một số bờ kè ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà. Cạnh đó, một số đoạn biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn cũng bị sạt lở.
Theo báo cáo nhanh của UBND TP. Đà Nẵng, toàn thành phố có 6 ngôi nhà bị hư hại do mưa bão, 1 ghe nhỏ bị chìm, 3 ha rau màu mới xuống giống bị hư hại, 300m2 nhà màng sản xuất rau bị tốc mái hoàn toàn, 414 trạm còn mất điện...
Tuy nhiên, việc nước sông Hàn dâng cao, tràn lên tuyến đường Như Nguyệt, quận Hải Châu là lần đầu tiên. Cụ thể, mực nước sông Hàn đã dâng cao, sóng đánh tràn lên bờ khiến khoảng 800m vỉa hè bị sóng đánh gây hư hỏng, vỡ nát nhiều mảng gạch lát, đá sàn cảnh quan và sạt lở đoạn lan can dài 48m.
Từ tối 14/11, tuyến đường ven sông Hàn là Như Nguyệt, Bạch Đằng cùng với các tuyến đường khu dân cư gần cầu Thuận Phước đã bị nước nhấn chìm. Bất ngờ hơn, ở phía đối diện sông Hàn tức bờ Đông là đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà lại không xảy ra hiện tượng như trên.
Chưa hết, theo một số hộ dân sinh sống ven đường Như Nguyệt, đây là lần đầu tiên họ thấy hiện tượng nước từ sông Hàn dâng cao tràn cả vào phố phường. Để đảm bảo an toàn, đêm 14/11, lực lượng công an đã túc trực phân luồng, cấm đường các phương tiện lưu thông tránh vào vùng ngập sâu, nguy hiểm.
Trao đổi với PV, KTS Hồ Duy Diệm, nguyên Chủ tịch hội Quy hoạch TP. Đà Nẵng kiêm Chủ tịch hội Bảo vệ lưu vực và dãi bờ biển Việt Nam cho rằng, việc nước sông Hàn dâng cao tràn vào phố phường phía bờ Tây là điều đã được dự báo trước.
"Dọc sông Hàn có nhiều vị trí mọc lên các dự án lấn sông. Đặc biệt là đoạn cửa biển gần cầu Thuận Phước có dự án lấn ra một vùng lớn. Dự án đắp và lấn như thế gần như tạo nên mở neo khiến nước tấp vào rồi lái sang bờ Tây như một lẽ tự nhiên. Trước sau gì bờ Tây đoạn cuối đường Như Nguyệt cũng xói lở", ông Diệm nói.
Cũng theo KTS Hồ Duy Diệm, hệ lụy nhãn tiền này thực ra đã được ông và nhiều chuyên gia khác phản biện nhiều lần trước đây. Cụ thể, đó là việc chính quyền TP. Đà Nẵng lấy ý kiến về những dự án lấn sông Hàn là Olalani Riverside Tower và Marina Complex.
"Nhiều hội thảo về các dự án lấn sông Hàn đã diễn ra vào năm ngoái. Có ý kiến bảo vệ dự án lấn sông, tôi và một số người khác thì nêu quan điểm nếu lấp sông làm dự án sẽ xói lở, gây triều cường bờ Tây. Đến thời điểm tại, ở nhiều tỉnh mưa lụt lớn nhưng Đà Nẵng cơ bản không có mưa lũ lớn mà đã có hiện tượng sóng đánh, triều cường dâng tràn nước phía bờ Tây như vậy. Lâu dần các bờ kè, bờ đá thêm suy yếu thì hệ lụy còn nặng", vị chuyên gia nhìn nhận.