Khách sạn Ryugyong - được đặt tên theo một di tích lịch sử ở Bình Nhưỡng - đáng lẽ ra được hoàn thiện 2 năm sau đó, nhưng đến nay vẫn chưa được mở cửa.
Khách sạn Ryugyong là sản phẩm có từ thời Chiến tranh Lạnh, trong lúc cuộc đối đầu giữa Hàn Quốc (được Mỹ hậu thuẫn) và Triều Tiên (được Liên Xô hậu thuẫn) bùng phát. Năm trước khi nó được khởi công xây dựng, một công ty Hàn Quốc đã xây dựng tòa khách sạn cao nhất thế giới, Westin Stamford, ở Singapore. Trong khi đó, thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng đang chuẩn bị tổ chức Thế vận hội mùa Hè 1988.
Một phần trong kế hoạch phản ứng với Seoul, Bình Nhưỡng đã tổ chức Lễ hội Sinh viên và Thanh niên Thế giới năm 1989, một phiên bản xã hội chủ nghĩa của Thế vận hội. Đất nước này cũng lên kế hoạch xây dựng một khách sạn quy mô lớn ngay trong lúc diễn ra sự kiện nhằm thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.
Nhưng do các vấn đề về kỹ thuật, khách sạn trên không thể hoàn thiện trong khoảng thời gian diễn ra lễ hội. Chính quyền Triều Tiên lúc bấy giờ đã đổ nhiều tỷ USD vào tổ chức sự kiện, xây dựng một sân vận động mới, mở rộng sân bay Bình Nhưỡng và xây nhiều tuyến đường mới. Điều này khiến nền kinh tế của họ giảm sút, trong khi sự kiện Liên bang Xô viết sụp đổ cũng khiến họ thiếu nguồn cung và các khoản đầu tư quan trọng.
Một góc thủ đô Bình Nhưỡng. |
Tòa nhà này bao gồm 3 cánh, mỗi cánh có độ dốc 75 độ, ôm lấy phần chóp gồm 15 tầng mà theo dự tính là gồm các nhà hạng hạng sang và đài quan sát. Hình dạng kim tự tháp của khách sạn này không chỉ là về tính thẩm mỹ - mà là do nó được cấu thành bởi bê tông cường lực thay vì thép.
“Nó được xây dựng như vậy là bởi các tầng trên cần phải nhẹ hơn” - Calvin Chua, một kiến trúc sư Singapore chuyên nghiên cứu về quá trình đô thị hóa ở Bình Nhưỡng, nói trong một cuộc phỏng vấn - “Họ không có các vật liệu xây dựng tiên tiến, bởi vậy nó được xây hoàn toàn bằng bê tông. Bạn không thể xây một tòa tháp mỏng theo cách đó, mà cần có một phần nền vững chắc cùng phàn chóp thon gọn”.
Theo ông Chua, người từng làm việc với các kiến trúc sư Triều Tiên, khách sạn Ryugyong được thiết kế để trông giống một ngọn núi hơn là một kim tự tháp, bởi núi là hình ảnh quan trọng của đất nước này.
Vào năm 2008, sau 16 năm tạm ngừng, việc thi công hoàn thiện khách sạn Ryugyong bất ngờ được tái khởi động với sự hỗ trợ từ Orascom, một tập đoàn Ai Cập được Bình Nhưỡng lựa chọn để giúp xây dựng mạng 3G của Triều Tiên.
Sau gần 2 thập kỷ phơi sương chịu nắng, cần cẩu đứng trơ trọi trên mái của khách sạn Ryugyong được dỡ bỏ. Các công nhân Triều Tiên, dưới sự hỗ trợ của kiến trúc sư Ai Cập, đã lắp đặt kính và những tấm kim loại vào bề mặt bên ngoài của tòa nhà chọc trời. Dự án cải tạo trị giá 180 triệu USD, hoàn thành năm 2011, đã khoác lên khách sạn Ryugyong một diện mạo mới sáng loáng bóng bẩy, không thua kém bất cứ tòa nhà cao tầng nào ở thủ đô Seoul của nước láng giềng Hàn Quốc, đồng thời làm dấy lên hy vọng khách sạn này sẽ sớm đi vào hoạt động.
Cuối năm 2012, tập đoàn khách sạn hạng sang Kempinski của Đức tuyên bố Ryugyong sẽ mở cửa một phần vào giữa năm 2013, dưới sự quản lý của Kempinski. Tuy nhiên, tập đoàn này rút khỏi dự án hợp tác chỉ vài tháng sau đó, tuyên bố việc tham gia thị trường Triều Tiên ở thời điểm đó là “bất khả thi”.
Khách sạn Ryugyong một lần nữa “sống lại” vào năm 2018, khi những chiếc đèn LED của nó được lắp đặt ở mặt tiền được bật lên, biến tòa nhà này thành một màn trình diễn ánh sáng ấn tượng. Chương trình kéo dài 4 phút về lịch sử của Triều Tiên cùng nhiều khẩu hiệu chính trị được trình chiếu, trong khi phần nóc khách sạn có hình ảnh quốc kỳ Triều Tiên.
Nhưng câu hỏi vẫn còn đó: Liệu khách sạn này có bao giờ mở cửa?
Khách sạn Ryugyong giờ đây không còn là tòa kiến trúc cao nhất trên bán đảo Triều Tiên: Tháp Thế giới Lotte ở Seoul, hoàn thiện năm 2017, đã vượt qua nó tới 240m. Nhưng nó vẫn là kiến trúc cao nhất ở đất nước Triều Tiên.
Trong suốt nhiều năm liền, chính quyền Triều Tiên đã loại khách sạn Ryugyong khỏi những bức ảnh về Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, việc lắp đặt thêm đèn LED có thể là một tín hiệu mới về tương lai của kiến trúc này.