Theo tính toán của chuyên gia quốc tế, đối với Covid-19, các nghiên cứu chỉ ra rằng, Ro (hệ số lây nhiễm) nằm trong khoảng 2.0-3.0. Trong trường hợp Ro=3 sẽ cần khoảng 66% dân số bị nhiễm bệnh để hình thành miễn dịch cộng đồng.
Áp con số này vào trường hợp của Việt Nam, nếu chúng ta “thả nổi” để virus tràn vào và tự do lây nhiễm theo phương pháp miễn dịch cộng đồng, sẽ có khoảng 66% dân số nước ta bị lây nhiễm (tương đương: 90 triệu*66%= 59,4 triệu người). Tỉ lệ tử vong/ca bệnh ở các nước bên ngoài biên giới Trung Quốc ở thời gian đầu là 0,2%, dựa theo đó sẽ có: 59,4 triệu*0,2%=118.800 người tử vong.
Miễn dịch cộng đồng (Herd immunity) hiểu một cách đơn giản là những người có rủi ro bị nhiễm bệnh sẽ được bảo vệ, khi xung quanh họ là những người đã có khả năng miễn dịch với căn bệnh này. Do đó, sự lây lan của mầm bệnh cũng sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất.
Một ví dụ gần gũi và điển hình cho miễn dịch cộng đồng chính là việc tiêm vắc-xin. Theo đó, trong một cộng đồng, nếu số lượng dân cư được chủng người đủ đông, nhóm này sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng cho những người không được tiêm vắc-xin (chiếm số lượng nhỏ).
GS Willem van Schaik, Đại học Birmingham phân tích: “Mấu chốt nằm ở chỗ số người được miễn dịch với căn bệnh truyền nhiễm phải đủ đông thì miễn dịch cộng đồng mới được phát huy. Lấy ví dụ là dịch sởi, miễn dịch cộng đồng đã không cho thấy hiệu quả, bởi nhiều trẻ em không được tiêm phòng, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự lo sợ vô căn cứ đối với vắc-xin của một bộ phận phụ huynh”.
Phương pháp miễn dịch cộng đồng cũng được áp dụng cho bệnh cúm. Theo đó, nếu tỉ lệ người dân được tiêm vắc xin cúm đủ cao, thì chính những người không có miễn dịch sẽ được bảo vệ. Tuy nhiên, khác với dịch sởi, vấn đề đối với bệnh cúm nằm ở chỗ có rất nhiều chủng virus gây cúm khác nhau và cũng khó để xác định là người bệnh đang mắc chủng cúm nào. Điều này cũng là lý do mà vắc-xin cúm không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả phòng ngừa.
Đối với trường hợp của Covid-19, theo GS Willem van Schaik vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến hiệu quả của miễn dịch cộng đồng, nằm ở chỗ SARS-CoV-2 là một virus mới và chưa từng lây lan trong cộng đồng. “Điều này đồng nghĩa với việc không ai trong chúng ta có miễn dịch với virus này và tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh” – GS Willem van Schaik nhấn mạnh.
Trên thực tế, miễn dịch cộng đồng nên áp dụng khi việc chủng ngừa vắc-xin đã được thực hiện rộng rãi. Tuy nhiên, đối với dịch Covid-19, ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh. Do đó, cách duy nhất để tạo miễn dịch cộng đồng là để người dân nhiễm bệnh và chữa trị cho họ hồi phục, thì cơ thể sẽ tự hình thành đáp ứng miễn dịch đặc hiệu với virus này.
GS Willem van Schaik chỉ rõ: “Theo tính toán, để đạt được miễn dịch cộng đồng với Covid-19, phải có khoảng 60% dân số miễn dịch với căn bệnh này, nghĩa là 60% dân số phải bị nhiễm bệnh rồi được chữa khỏi. Xét trên trường hợp của nước Anh, phải có ít nhất 36 triệu người nhiễm bệnh và hồi phục. Số ca bệnh khổng lồ này sẽ gây ra áp lực rất lớn với hệ thống y tế, cũng như phải đánh đổi với một cái giá rất đắt. Sẽ có khoảng 10.000 người có thể chết và thậm chí con số này có thể lên đến 100.000 người”.
Theo chuyên gia này, cách duy nhất để áp dụng thành công miễn dịch cộng đồng là trì hoãn tốc độ lây lan của Covid-19, để đảm bảo rằng, số ca bệnh trong mỗi thời điểm luôn nằm ở ngưỡng không gây quá tải cho hệ thống y tế.
Chung quan điểm với GS Willem van Schaik, GS.BS Paul Hunter (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất) chia sẻ: “Để tính toán kịch bản cho việc áp dụng phương pháp miễn dịch cộng đồng, cần dựa vào hệ số lây nhiễm Ro (reproductive ratio) đây là chỉ số thể hiện số người có thể bị lây nhiễm từ 1 ca bệnh ban đầu”.
Nếu lấy Ro=2, có nghĩa là từ 1 ca bệnh ban đầu sẽ phát sinh thành 2, đến 4, rồi đến 8 ca bệnh… Tuy nhiên trong trường hợp một nửa dân số đã được miễn dịch căn bệnh này, nghĩa là có 1 nửa trường hợp lây nhiễm được loại trừ. Do đó, diễn biến lây lan bệnh từ “1, 2, 4, 8, 16, 32, 64, 128, 256…” sẽ trở thành “1, 1, 1, 1, 1, 1, 1, 1, 1…” và sau đó bệnh dịch sẽ nhanh chóng biến mất.
“Đối với Covid-19, các nghiên cứu chỉ ra rằng, Ro nằm trong khoảng 2.0-3.0. Trong trường hợp Ro=3 sẽ có khoảng 66% dân số bị nhiễm bệnh trước khi virus này biến mất nhờ miễn dịch cộng đồng” - GS.BS Paul Hunter cho biết.
Áp con số này vào trường hợp của Việt Nam, nếu chúng ta “thả nổi” để virus tràn vào và tự do lây nhiễm theo phương pháp miễn dịch cộng đồng, sẽ có khoảng 66% dân số nước ta bị lây nhiễm (tương đương: 90 triệu*66%= 59,4 triệu người). Tỉ lệ tử vong/ca bệnh ở các nước bên ngoài biên giới Trung Quốc ở thời gian đầu là 0,2%, dựa theo đó sẽ có: 59,4 triệu*0,2%=118.800 người tử vong. Vậy ai sẽ chấp nhận là một phần trong con số khổng lồ này?
Xin nhấn mạnh rằng, tỉ lệ tử vong 0,2% là một con số lạc quan được thống kê vào thời gian đầu của dịch, khi các ca bệnh ghi nhận bên ngoài biên giới Trung Quốc chỉ là những ca xâm nhập, hệ thống y tế đương nhiên sẽ có điều kiện chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân Covid-19.
Nhìn vào thực tế hiện nay, nếu hệ thống y tế bị quá tải như Ý, tỉ lệ tử vong sẽ gấp vài chục lần lên mức 4-7%. Dựa trên con số này, số người chết ở nước ta sẽ là 2,4-4,2 triệu người chứ không phải là loanh quanh mức 100.000 người như bài toán “lý tưởng” ở trên.