Cơ hội tốt phát huy vai trò ngoại giao hoà giải của Việt Nam

[Ngày Nay] - Trao đổi với báo chí, TS Lê Đình Tĩnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao) khẳng định, Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội sẽ là cơ hội để Việt Nam phát huy tốt vai trò ngoại giao hoà giải trong tiến trình hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 đang là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. (Nguồn: AP)
Cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 đang là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. (Nguồn: AP)

TS Lê Đình Tĩnh khẳng định, đối với hai nước liên quan trực tiếp là Hoa Kỳ và Triều Tiên, cuộc đàm phán lần này sẽ tiếp đà đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng từ cuộc gặp thượng đỉnh lần 1 tại Singapore (6/2018).  

Kỳ vọng vào đột phá 

Nếu như tại cuộc gặp đầu tiên, các nhà quan sát cho rằng, chủ yếu mang tính “phá băng” và biểu tượng, hội nghị thượng đỉnh lần này tại Hà Nội sẽ mang tính thực chất nhiều hơn. “Thực chất vì đã đi vào chi tiết. Và vì đi vào chi tiết nên sẽ khó khăn và phức tạp hơn”, TS Lê Đình Tĩnh nhìn nhận. 

Với vị thế và vóc dáng của một quốc gia tầm trung Việt Nam đã khẳng định được vai trò và uy tín của mình khi được lựa chọn là “điểm hẹn hoà bình” cho Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai.TS Lê Đình Tĩnh

Theo ông Tĩnh, cả Hoa Kỳ và Triều Tiên đều mong muốn đạt được những bước đi mang tính đột phá. Tuy nhiên, các nhà đàm phán hai bên hiểu rằng họ vẫn phải quản trị kỳ vọng do tiến trình phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên là vấn đề không dễ giải quyết.

Hàng loạt các chủ đề hiện nay được cho là cần tiếp tục bàn thảo như cách hiểu phi hạt nhân hóa, quá trình thanh sát và kiểm chứng. Bên cạnh đó, một số chủ đề quan trọng khác cũng có thể được đề cập lần này như tuyên bố kết thúc chiến tranh, mở văn phòng liên lạc giữa hai nước và tìm kiếm, hồi hương hài cốt lính Mỹ tử trận tại Triều Tiên.  

“Do vậy, cuộc gặp tại Hà Nội có ý nghĩa đưa kênh đối thoại trực tiếp giữa hai bên đi vào chiều sâu hơn một bước, từng bước xây dựng lòng tin, kích thích các bên liên quan có sự chuyển biến về nhận thức và hành động, và qua đó tiếp tục duy trì tình hình bán đảo Triều Tiên lắng dịu thêm một thời gian”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược nhấn mạnh. 

Làm tốt vai trò ngoại giao hòa giải 

Chỉ thị 25-CT-TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 đã đề cập đến nhiều biện pháp mới cho nền Ngoại giao Việt Nam giai đoạn tới, trong đó có ngoại giao hòa giải.  TS Lê Đình Tĩnh cho rằng, là quốc gia có kinh nghiệm hòa giải và hòa bình, Việt Nam sẽ phát huy tốt vai trò hòa giải qua việc đóng vai nước chủ nhà, hỗ trợ Thượng đỉnh Hoa Kỳ -Triều Tiên lần hai.

Cơ hội tốt phát huy vai trò ngoại giao hoà giải của Việt Nam ảnh 1

TS Lê Đình Tĩnh

Theo TS Lê Đình Tĩnh, bản thân Việt Nam là đối tác tin cậy của các bên, đồng thời là một trong số ít các quốc gia có quan hệ tích cực với cả Triều Tiên và Hoa Kỳ. Việt Nam có điều kiện vật chất và đã chứng tỏ khả năng tổ chức các sự kiện quốc tế lớn phức tạp về lễ tân, hậu cần, an ninh và nội dung, như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương - APEC 2017, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN - WEF ASEAN 2018.   

“Dĩ nhiên, một cách thẳng thắn Việt Nam vẫn có những hạn chế để có thể phát huy tối ưu vai trò hòa giải vì bản chất vấn đề phức tạp, nguồn lực, nhân lực của ta còn khiêm tốn. Nhưng nhìn về phía trước, đây sẽ là một một khía cạnh quan trọng của nền ngoại giao chủ động, tích cực của Việt Nam”, ông Tĩnh nhận định.  

Hà Nội: Điểm hẹn hoà bình 

Với vị thế và vóc dáng của một quốc gia tầm trung, TS Lê Đình Tĩnh cho rằng, Việt Nam đã khẳng định được vai trò và uy tín của mình khi được lựa chọn là “điểm hẹn hoà bình” cho Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai. Thông qua chủ trương ủng hộ đối thoại cùng với việc tham gia kiến tạo hoà bình cho Hoa Kỳ và Triều Tiên, những đóng góp của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế sẽ được thể hiện trên những khía cạnh: 

Thứ nhất, góp phần đem lại hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy quan hệ Hoa Kỳ-Triều Tiên phát triển;  

Thứ hai, giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam trong những lĩnh vực cụ thể như du lịch-thương mại-đầu tư và nâng cao vị thế chiến lược quốc tế của đất nước;  

Thứ ba, góp phần giải quyết và nâng cao năng lực giải quyết xung đột cho Việt Nam và khu vực; 

Thứ tư, qua đây đề cao vai trò của đối thoại, giải quyết mâu thuẫn bằng các biện pháp hòa bình cho các điểm nóng an ninh khu vực, kể cả vấn đề Biển Đông;  

Thứ năm, thực hiện tư duy chủ động tìm đến vấn đề trước khi vấn đề tìm đến ta, gắn an ninh hòa bình ổn định của Việt Nam với khu vực, thế giới và ngược lại, giữ nước từ xa, giữ nước từ khi còn chưa nguy;  

Thứ sáu, tạo nét gạch nối, sự liền mạch lịch sử của nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Theo TG&VN

Hơn 61.000 lượt người vào Lăng viếng Bác dịp lễ 30/4 và 1/5
Hơn 61.000 lượt người vào Lăng viếng Bác dịp lễ 30/4 và 1/5
(Ngày Nay) -  Theo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ 27/4 - 1/5, riêng thứ Hai ngày 29/4 không tổ chức Lễ viếng Bác), đã có 61.417 lượt người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 3.919 lượt khách nước ngoài.
Quan hệ Trung - Mỹ: Nhìn hoa đoán ý
Quan hệ Trung - Mỹ: Nhìn hoa đoán ý
(Ngày Nay) - Những dấu hiệu trong cuộc tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho thấy chính quyền Bắc Kinh chưa sẵn sàng "làm ấm" quan hệ song phương.
Giải mã xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc
Giải mã xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc
(Ngày Nay) - Một cuộc đua cạnh tranh kéo dài từ lúc mới sinh cho đến lúc đi học, đi làm khiến nhiều người Hàn Quốc cảm thấy kiệt quệ và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của họ.