Người dân của đảo Foula ở ngoài khơi nước Anh hiện tại đang sử dụng lịch cổ Julian. Loại lịch này được nhiều nước trên thế giới sử dụng trước khi công lịch hiện đại ra đời vào năm 1582.
Phong cảnh trên đảo Foula.
Theo lịch này, tới tận ngày 6 tháng 1, người dân trên đảo mới được đón Giáng sinh, hay theo cách gọi của họ là ‘Yule’; và tới ngày 13 tháng 1 theo công lịch, người dân trên đảo Foule mới được đón năm mới.
Hiện tại, chỉ có khoảng 30 người sinh sống trên đảo; văn hóa dân gian và âm nhạc của cư dân trên đảo thể hiện rõ truyền thống văn hóa Na Uy của họ. Những người sinh sống trên đảo Foula cũng là những người cuối cùng sử dụng ngôn ngữ Norn, một loại phương ngữ cổ Bắc Âu đã không còn được sử dụng vào những năm 1800.
Ông Jim Gear, một cư dân sống trên đảo Foula cho biết họ vẫn sử dụng lịch Julian cổ từ bao đời nay bởi vì đó là một phần trong truyền thống của người dân trên đảo.
Đảo Foula trên bản đồ.
Đảo Foula dài khoảng 5,6km và bề ngang chỉ khoảng gần 1km, tên của hòn đảo này trong tiếng Na Uy cổ có nghĩa là ‘hòn đảo chim’. Đây là hòn đảo xa xôi nhất của nước Anh trong số các hòn đảo nơi thường xuyên có người sinh sống.
Nơi đây có những khu vực bảo vệ đặc biệt dành cho các loài chim quý và được coi là thiên đường đối với những nhà nghiên cứu về chim chóc. Đồng thời, đây cũng là nơi có vách đá ven biển cao thứ hai tại Anh.
Khách du lịch có thể tới Foula bằng máy bay hoặc phà, mất khoảng 2 tiếng 15 phút. Mỗi tuần sẽ có 3 chuyến ra thăm đảo dành cho du khách.
Danh Tuyên (theo Metro)