Liệu lời khuyên trên đúng hay sai? Chúng ta có nên làm theo?
Daily Mail hỏi các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học thể thao và khoa học về sức khỏe: Liệu chúng ta có thật sự cần uống 8 ly nước mỗi ngày?
Theo Karen Dwyer, Phó trường Khoa Y của Đại học Deakin (Geelong, Úc), bạn chỉ cần uống nước khi nào bạn khát. Khả năng chịu khát và mức độ mất nước thể hiện qua màu của nước tiểu. Nếu nước tiểu có màu vàng đậm thì bạn đang mất nước và cần uống thêm nước.
Tuy nhiên, uống quá nhiều nước có thể gây nguy hiểm, đặc biệt cho những người có các vấn đề về tim.
Thận có một khả năng rất đặc biệt là chuyển tín hiệu đến não để yêu cầu uống thêm nước khi bạn đang khát.
Vincent Ho, một giảng viên và là nhà nghiên cứu dạ dày lâm sàng ở Đại học Tây Sydney, cho biết không cần thiết uống 8 ly nước mỗi ngày. Theo lời khuyên của Ban dinh Dưỡng và Thực phẩm trực thuộc Viện Khoa học Quốc gia (Mỹ), được đưa ra vào năm 1945, người lớn nên uống 2,5 lít.
Một nghiên cứu khác cho thấy phụ nữ uống 1,4 lít nước mỗi ngày giảm một nửa nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiểu.
Nước cũng được bổ sung vào cơ thể chúng ta thông qua những thực phẩm chúng ta ăn. Chẳng hạn, súp lơ và cà tím là một trong những thực phẩm chứa nhiều nước. Chúng chứa 92% nước, theo Daily Mail.
Những người khỏe mạnh có thể không cần uống 8 ly nước mỗi ngày, nhưng những người bị một vài bệnh nào đó hay sống ở vùng khí hậu rất nóng có thể cần uống nhiều nước hơn.
Theo bác sĩ đa khoa Michael Tam, giảng viên của Đại học Sydney, 8 ly nước mỗi ngày là một mức nước cơ bản và tốt chỉ cho những người không hoạt động gì cả trong ngày hôm đó và không bị mất nhiều nước nếu bị nôn ói hay tiêu chảy.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường bị mất nước trong khi tập thể dục hay đổ mồ hôi trong những ngày nắng nóng.
Vì vậy, tốt nhất chúng ta uống nước khi nào cảm thấy khát. Chúng ta cũng thường nhận thêm nước vào cơ thể thông qua các nguồn khác như trái cây hoặc rau quả, theo Daily Mail.
Theo Thanh Niên