Giá trị mất dần
Đến làng cổ Cự Đà (xã Cự Khê, Thanh Trì), nhiều người không khỏi ngậm ngùi tiếc cho một ngôi làng cổ bị ảnh hưởng bởi cơn lốc đô thị hóa. Khách đến làng dễ bị ngộp thở bởi nhiều con ngõ hình xương cá, sâu hun hút lô xô các quán cà-phê, bida, các salon chăm sóc sắc đẹp giăng như mắc cửi. Đầu ngõ thì chen chân với những tấm biển quảng cáo rực rỡ.
Những giá trị truyền thống ở làng Cự Đà đang dần bị thay thế |
Từ một ngôi làng có bề dày lịch sử với những nếp nhà cổ có niên đại hàng trăm năm, nay Cự Đà chỉ còn những ngôi nhà cao tầng bê-tông sừng sững mọc lên cùng biển hiệu quảng cáo lộn xộn. Từ đầu đến cuối làng như một công trường với những xe chở bột làm miến, chở vật liệu xây dựng… ngày đêm ra vào rầm rập. Con sông Nhuệ bị lấp dần để xây nhà xưởng, nhiều dấu vết văn hóa xưa kia đã biến mất. Ngay cả tấm biển đề tên làng cũng bị biến dạng đến thảm thương.
Một cán bộ văn hóa xã Cự Khê nói: “Thật xót xa khi mỗi ngày Cự Đà lại mất đi vài ngôi nhà cổ. Những công trình thời thượng mọc lên khắp làng đang phá vỡ quần thể kiến trúc độc đáo ở đây. Biết vậy nhưng làm sao được, xu thế mà…”.
Những giá trị truyền thống ở làng Cự Đà đang dần bị thay thế |
Không riêng làng Cự Đà, những ngôi làng ven đô trước kia nay thành nội đô cũng không tránh khỏi trước những biến động mạnh mẽ. Làng Kẻ Mơ (gồm ba làng Hoàng Mai, Tương Mai, Mai Ðộng ngày nay) trong quá trình đô thị hóa tự phát dẫn đến thực trạng phố không ra phố, làng không ra làng. Đường làng được đặt tên phố nhưng vẫn là đường làng cũ, ngoằn ngoèo, chật chội. Dân cư sống theo lối thôn xóm, nhưng nhà cửa lại được xây theo phố xá, sinh hoạt theo tổ dân phố.
Làng Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) cũng đang lúng túng trong việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Ngôi đình làng vốn là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng thường ngày của người dân thì nay chỉ phục vụ cho các dịp lễ hội, rằm hay mồng một hằng tháng. Trong khi đó, làng lại cho xây thêm một nhà văn hóa và nay bỏ không. Việc xây dựng nhà văn hóa nhưng không theo quy cách đang làm “xộc xệch” thêm kiến trúc cổ truyền làng xã.
Nếp làng phai nhạt
Nhà mới thay nhà cổ, bê-tông cốt thép thay những nếp nhà, lối sống, sinh hoạt do vậy cũng thay đổi theo. Trước đây, người dân tự do sang nhà nhau chơi thì nay ngại gọi cổng, nhà có cỗ bàn cứ ới một câu là có người đến giúp, nay nhiều gia đình cưới con kéo nhau ra nhà hàng, hoặc thuê người nấu cỗ nên mất đi sự nhộn nhịp, gắn kết của tình làng nghĩa xóm. Khi làng đã lên phố, có nghĩa là con người phải leo lên sống ở nhà cao, tường rào, cổng sắt vây kín. Vậy là giao tiếp xã hội, tình làng nghĩa xóm cũng ảnh hưởng.
Ruộng đất bị thu hồi, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng nhiều khiến một số thanh niên tụ tập tổ chức chơi bida, đánh bạc rồi gây gổ khiến bức xúc trong dân cư. Trước đây làng xóm yên bình thì nay lực lượng công an xã phải đi nhắc nhở, xử lý các trường hợp buôn bán, đặt biển quảng cáo lấn chiếm buôn bán ở lề đường, kiểm tra chặt chẽ tình hình nhà nghỉ trên địa bàn… để phố làng khỏi lem nhem, lộn xộn.
Sự thay đổi của làng quá nhanh chóng, đến nỗi nhiều người sinh sống tại đây cũng thấy lạ, không nghĩ đó là quê mình. Có tiền bán đất, tiền đền bù, nhiều người có cảm giác “một phút lên tiên” nên chao đảo. Những tấm biển nghề gia truyền bị gỡ xuống, thay vào đó là biển quảng cáo, dịch vụ môi giới nhà đất, cung cấp vật liệu xây dựng, khoan cắt bê-tông. Một số cụ già tiếc nhà cổ nhưng lực bất tòng tâm, có người nói do nhu cầu bức thiết về đất đai. Có người nói do phong trào phá nhà cổ làm nhà cao tầng, dù muốn giữ nhưng lại sợ bị coi là… lập dị.
Giữ gìn được cảnh quan, nếp sống xưa là điều mà chính quyền và người dân nhiều địa phương trăn trở. Nhưng làm thế nào để gìn giữ không gian xưa, giữ được nếp làng thì đâu phải người dân cứ muốn là được. Nó đòi hỏi sự kết hợp của nhiều cấp, nhiều đơn vị liên quan và phụ thuộc “cái tâm” của nhiều người.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Hồi sinh những đêm trăng phường vải xứ Nghệ
- Chiến dịch Phục dựng nhà lang- Cũng bởi chung niềm nuối tiếc
- Quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích Thành Nhà Hồ với trên 5.000ha