Trong số này, các loại ung thư thường gặp ở nữ giới là ung thư vú, ung thư cổ tử cung; ở nam giới là gan, phổi, đại trực tràng, thực quản... Các bác sĩ cho biết nhiều loại bệnh ung thư ở Việt Nam có thể phát hiện mắc bệnh sớm hơn, nhưng người dân chủ quan, thiếu tầm soát.
Theo Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, hiện nay ung thư vú là ung thư phổ biến nhất, có tỉ lệ tử vong hàng đầu ở nữ. Tại nước ta, ung thư vú là một trong 10 ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ và ước tính mỗi năm có khoảng 11.000 ca ung thư vú mới, hơn 4.500 người tử vong vì căn bệnh này.
Tỉ lệ mắc ung thư vú đứng thứ nhất và đứng thứ 3 nguyên nhân gây tử vong chỉ sau ung thư gan, phổi.
Bác sĩ Vũ Trường Khanh, trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết năm 2018 số mắc ung thư gan chiếm 5,4%/tổng số các loại ung thư ở Việt Nam. Việt Nam cũng nằm ở vị trí thứ 5 thế giới về tỉ lệ mắc ung thư gan. Người nhiễm virút viêm gan B, C, đồng nhiễm HIV và viêm gan virút, xơ gan do rượu là những yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng xơ gan và ung thư gan. Trong đó, hậu quả do nhiễm viêm gan virút B cứ tăng dần: năm 1990 có 21.000 người xơ gan, 940 người ung thư gan; năm 2025 dự báo có gần 59.000 người xơ gan, trên 25.000 người ung thư gan.
"Trên thế giới, số người mắc ung thư gan xếp thứ 6 trong số các loại ung thư có số mắc cao, nhưng số tử vong xếp thứ 2, Việt Nam cũng tương tự, số mắc và tử vong do ung thư gan đều xếp ở nhóm đầu trong số ung thư có số mắc và tử vong cao. Lý do dẫn đến tử vong do ung thư gan cao là vì bệnh nhân đến viện ở giai đoạn rất muộn và ít đáp ứng với hóa chất" - bác sĩ Khanh nói.
Bác sĩ Khanh cho hay người bệnh ung thư gan ở Việt Nam phát hiện muộn vì chưa tầm soát cho người nhiễm virút siêu vi B, C và người xơ gan do rượu. Trước đây, có đến hàng chục triệu người Việt nhiễm virút viêm gan siêu vi, tỉ lệ này giảm mạnh ở nhóm người trẻ sinh từ 1998 đến nay do đó là thời điểm bắt đầu triển khai tiêm chủng ngừa viêm gan siêu vi cho trẻ em. Trước đây Nhật Bản có tỉ lệ nhiễm viêm gan virút khá cao, sau khi Nhật Bản triển khai tiêm chủng từ những năm 1970 cho đến nay, tỉ lệ này ở Nhật Bản đã giảm xuống rất thấp.
Tương tự, ung thư thực quản đứng thứ 8 trong các ung thư phổ biến nhất toàn cầu và đứng thứ 6 trong các nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong do ung thư. Trong số 400.000 trường hợp tử vong có đến 80% bệnh nhân tập trung ở các nước kém phát triển.
"Riêng ở Việt Nam, ung thư thực quản nằm trong 10 loại ung thư phổ biến nhất của nam giới. Ở Hà Nội loại ung thư này đứng vị trí thứ 5 với tỉ lệ mắc ở nam là 8,7/100.000 người, ở nữ là 1,7/100.000 người" - bác sĩ Nguyễn Trọng Hiếu, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết.
Đặc biệt, bệnh nhân ung thư thực quản ở vùng nông thôn chiếm tỉ lệ cao. Bởi khi có biểu hiện có thể do nhận thức hoặc điều kiện kinh tế mà họ thường bỏ qua, đến lúc không thể chịu đựng được bệnh họ mới đi khám, lúc này bệnh đã ở giai đoạn quá muộn.
Thuốc lá, rượu là hai yếu tố chính gây ra ung thư ở đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu, trong đó có ung thư thực quản. Nghiên cứu của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chỉ ra rằng tỉ lệ bệnh nhân nghiện rượu 5,8%, nghiện thuốc lá 3,9%. Tỉ lệ bệnh nhân nghiện cả rượu, thuốc lá là 84,3%, toàn bộ là nam giới.
Ung thư cổ tử cung ngày càng trẻ hóa
Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Tiến - trưởng khoa ngoại 1 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết ung thư cổ tử cung có khuynh hướng giảm hơn so với các bệnh lý ung thư phụ khoa khác, tuy nhiên càng ngày càng trẻ hóa. Minh chứng là mới đây khoa ngoại 1 tiếp nhận điều trị một bệnh nhân ung thư cổ tử cung mới chỉ 23 tuổi. Đây được xem là một tiền lệ chưa bao giờ gặp tại khoa ngoại 1 của bệnh viện.
Theo bác sĩ Tiến, mỗi năm nước ta phát hiện mới hơn 4.100 ca ung thư cổ tử cung, trong đó có 2.400 bệnh nhân tử vong. Tại Bệnh viện Ung bướu, trung bình mỗi tháng có khoảng 60 trường hợp nhập viện điều trị ung thư cổ tử cung.
Tuy tỉ lệ mắc và tử vong thấp hơn so với các loại ung thư khác, căn bệnh này vẫn đứng thứ hai trong các bệnh ung thư (tỉ lệ 17,8 ca/100.000 phụ nữ) ở các nước đang phát triển bởi chương trình tầm soát và phòng ngừa ung thư cổ tử cung chưa phổ biến.
Số liệu thống kê của Bệnh viện Ung bướu TP cho thấy ung thư phụ khoa ở phụ nữ dưới 30 tuổi đang gia tăng, thực sự là báo động. Do đó, việc tầm soát PAP (còn gọi phết tế bào cổ tử cung) cho phụ nữ từ lúc 21 tuổi để phát hiện ung thư giai đoạn sớm nhất là điều cần thiết nhằm tăng khả năng điều trị khỏi ung thư 100%.