Liên quan đến vụ ông Lưu Xuân Thủy - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả rút "súng" tấn công bảo vệ cao ốc PNTechcons (phường 7, quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh). Công an phường 7, đã có báo cáo về vụ việc như sau: "Qua làm việc với ông Lưu Xuân Thủy, công an phường xác định do ông Thủy say xỉn nên đã hiểu lầm với anh H., dẫn đến sự việc ông Thủy đã sử dụng một vật giống súng, màu đen đánh anh H.. Công an phường và các đơn vị nghiệp vụ xác định đó là khẩu súng đồ chơi, không phải là súng quân dụng hay công cụ hỗ trợ như theo thông báo của Ban quản lý".
Hiện tại, Ban Quản trị cao ốc PNTechcons đang tiến hành lấy chữ ký của cư dân để đồng kiến nghị UBND và công an quận Phú Nhuận cung cấp hình ảnh và làm rõ khẩu súng ông Thủy sử dụng để tấn công bảo vệ là súng gì? Có phải là súng đồ chơi theo kết luận của công an phường 7? Băng đạn lắp vào súng có thu giữ không? Ông Thủy có giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ hay không?
Khi phóng viên Ngày Nay liên hệ, công an phường 7 cho biết hồ sơ vụ việc đã được chuyển cho Công an quận Phú Nhuận. Ngày 22/6, phóng viên liên hệ với công an quận Phú Nhuận nhưng ban chỉ huy đơn vị này đang họp nên hẹn ngày 23/6 sẽ làm việc, trả lời.
Cao ốc PNTechcons (phường 7, quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh) nơi xảy ra vụ ông Thủy rút "súng" tấn công bảo vệ. Ảnh Linh Vũ |
Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Ngày Nay có trao đổi với Luật sư Nguyễn Quốc Phong - Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh.
Phóng viên: Ông nghĩ sao về việc ông Lưu Xuân Thủy - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả rút "súng" tấn công bảo vệ, thưa Luật sư?
Luật sư Nguyễn Quốc Phong: Đây là một vụ việc dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi sự vụ không chỉ liên quan tới hành vi có dấu hiệu bạo lực, nguy hiểm của một người có chức, có quyền mà đáng nói hơn là ông này còn "rút vật giống súng, lắp vật giống hộp tiếp đạn" để uy hiếp và xông vào tấn công bảo vệ.
Chưa hết, dư luận vẫn hoài nghi thông báo ngày 15/6 của công an phường 7, quận Phú Nhuận, với nội dung khẳng định vật giống súng mà ông Lưu Xuân Thủy sử dụng là "súng đồ chơi". Tôi cho rằng đây là vấn đề mấu chốt, nhưng việc công an phường 7 tự thông báo là chưa đúng luật.
Phóng viên: Luật sư có thể giải thích rõ hơn vì sao chưa đúng? Đơn vị nào đủ thẩm quyền giám định súng thật hay giả?
Luật sư Nguyễn Quốc Phong: Thẩm quyền giám định vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự được quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.
Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền giám định vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự bao gồm: Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; Phòng Giám định Kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
Theo quy định của pháp luật, vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.
Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp.
Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.
Phóng viên: Quan điểm của Luật sư về thông tin "ông Lưu Xuân Thủy chỉ sử dụng súng đồ chơi tấn công bảo vệ" như thế nào?
Luật sư Nguyễn Quốc Phong: Như chúng ta vẫn biết, súng là "hàng nóng", là vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang nên gọi chung là súng quân dụng. Ngoài ra còn có súng hơi, súng tự chế,… sau này có súng hoa cải và có súng cho trẻ em chơi (đồ chơi). Tuy nhiên, súng thật hay giả đều có quy định, luật định và bị cấm. Ngay cả các loại đồ chơi bạo lực cho trẻ như gươm, súng đều là hàng cấm.
Súng tự chế, súng đồ chơi tạm gọi là súng giả. Nếu người dân mang súng tự chế ra chơi, bắn chim, bắn thú cũng bị cấm. Ngay cả đồ chơi có hình dạng súng, vũ khí là bị cấm sản xuất, buôn bán. Vậy súng này ở đâu ông Thủy có? Hình dạng, kích thuớc ra sao? Khi kiểm tra thu giữ vật giống súng này, công an có lập biên bản, người làm chứng và chụp mẫu lưu? Đó là chưa kể vật giống súng là súng đồ chơi có phải là hàng hóa và xuất xứ hàng hóa này có hợp pháp hay không? Và nếu là súng tự chế, thì nó nhằm mục đích gì?
Cảm ơn những thông tin của luật sư!