Đầu tiên là Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng hướng tới phổ cập điện thoại thông minh (smartphone) tại các địa phương trên cả nước theo hướng trước mắt mỗi hộ gia đình có 1 smartphone; hoàn thành hỗ trợ smartphone cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo qua Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Đông thời tiến hành phổ cập cáp quang đến từng hộ gia đình. Thời gian hoàn thành là tháng 12/2024.
Tiếp đó, các nền tảng số dùng chung quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như sản xuất chế biến, nông nghiệp, du lịch, logistics và dệt may sẽ được phát triển và thúc đẩy sử dụng. Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, cơ quan chủ quản trong từng lĩnh vực, doanh nghiệp nòng cốt phát triển các nền tảng và địa phương thúc đẩy sử dụng. Lộ trình thực hiện trong quý IV/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ngành sẽ công bố nền tảng số quốc gia xuất sắc trong từng ngành, lĩnh vực và năm 2024 các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai sử dụng.
Thứ ba là xây dựng và triển khai miễn phí nền tảng bồi dưỡng kỹ năng số với những khóa học kỹ năng cơ bản cho người dân, đặc biệt là phổ cập trí tuệ nhân tạo (AI) để sáng tạo nội dung.
Tiếp theo là việc triển khai 3 dự án điểm quốc gia về ứng dụng AI, cụ thể là xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và xây dựng trợ lý ảo để hỗ trợ công chức, viên chức khối hành pháp; trợ lý ảo tránh chồng chéo văn bản quy phạm pháp luật cho các cán bộ lập pháp; và đặc biệt là trợ lý ảo về pháp lý phục vụ người dân.
Thứ năm là tiếp tục hướng dẫn, phổ biến triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng, đồng bộ trong cả nước để tổ này hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số.
Sau đó là hành động để đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường mạng đi đôi với đảm bảo an toàn thông tin. Mục tiêu là bảo đảm an toàn thông tin mạng cho tối thiểu 70% thuê bao kết nối Internet được truy cập an toàn.
Hành động thứ bảy là phát triển và phổ cập chữ ký số cho người dân, phấn đấu hoàn thành phổ cập chữ ký số cho người dân vào năm 2025.
Tiếp đó là việc đo lường và định kỳ hàng quý công bố tỷ trọng kinh tế số trong GDP và đặc biệt là quý IV/2023. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ra mắt bộ công cụ đo lường kinh tế số, cho phép các địa phương sử dụng để đo lường kinh tế công nghệ thông tin (ICT) của tỉnh mình theo từng quý.
Tiếp theo là cần nhanh chóng xây dựng và trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giao dịch điện tử trước quý II/2024 để có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực của Luật.
Cuối cùng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì xây dựng văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai phát triển kinh tế số và xã hội số trong phạm vi địa phương; đồng thời trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số để hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia đến năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, từ nay đến Diễn đàn năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, địa phương cùng cơ quan, doanh nghiệp sẽ cùng thực hiện. Kết quả sẽ được ra soát lại và công bố trong năm tiếp theo.
Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số, Xã hội số lần đầu tiên do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Nam Định cùng tổ chức. Sự kiện quy tụ các diễn giả là lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đóng góp và chia sẻ đường hướng, chính sách, kinh nghiệm thực tiễn, khuyến nghị để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.