Bà Lê Thị Thanh Hương, Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam chia sẻ, những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến xuất sắc trong sự phát triển kinh tế và vươn lên trở thành mô hình kinh tế điển hình trong khu vực.
Song song với việc phát triển kinh tế, Chính phủ cũng rất ưu tiên giải quyết các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, trong đó có thúc đẩy bình đẳng giới. Sự ưu tiên này của Chính phủ được thể hiện qua việc cập nhật, sửa đổi rất nhiều văn bản luật liên quan theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới cũng như phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới.
Theo khảo sát “Có phải bởi vì tôi là LGBT?” do Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện trên 2.497 người ở 62 tỉnh, thành phố của Việt Nam mới được công bố gần đây cho thấy, cộng đồng LGBT (những người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới…) đã gặp phải những sự kỳ thị và phân biệt đối xử nghiêm trọng ở nhiều môi trường như: Trường học, gia đình, nơi làm việc, cơ sở y tế và các không gian công cộng.
Theo đó, trường học trở thành nơi người LGBTI (người liên giới tính) có nhiều trải nghiệm bị kỳ thị, phân biệt đối xử nhất, từ bạn bè, thầy cô, cho tới nhân viên nhà trường.
Còn tại nơi làm việc, nhóm chuyển giới thường xuyên gặp nhiều trở ngại như: Bị hạn chế thăng tiến; bị trả lương thấp hơn so với người khác cùng vị trí; bị từ chối các phúc lợi lao động (bảo hiểm sức khỏe, thăm khám sức khỏe định kỳ, chính sách phúc lợi đi kèm cho người thân…).
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, bắt nạt trên mạng xã hội, kỳ thị trên không gian mạng là nhóm hành vi bạo lực tinh thần tăng cao trong vòng 5 năm trở lại đây (2017 - 2022) với người LGBTI.
"Hiện nay chúng ta đã có một số khung pháp lý liên quan tới người LGBT, tuy nhiên, các điều khoản cấm phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới lại xuất hiện riêng lẻ, rải rác trong các luật hiện tại nên chưa thật sự mang lại hiệu quả", ông Vương Khả Phong, Quản lý Chương trình Quyền LGBTI của iSEE, cho biết.
Bên cạnh đó, việc thiếu các dữ liệu diện rộng liên quan tới người LGBTI cản trở việc đưa họ vào chính sách và chương trình hành động của Chính phủ. Do đó, cần thúc đẩy nhiều hơn các hướng dẫn thực hành chống phân biệt đối xử đối với người LGBTI ở các lĩnh vực. Luật chống phân biệt đối xử cần được coi là nguyên tắc pháp luật quan trọng và bao trùm nhất.
Bà Đinh Thị Thu Thủy cho biết, tháng 2/2023, Bộ Y tế nhận được văn bản của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị cho ý kiến Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới và cung cấp thông tin, tài liệu về xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính.
Bộ đã trao đổi với Bộ Tư pháp, xin ý kiến Chính phủ chuyển toàn bộ Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính cho đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí và xin rút nhiệm vụ xây dựng Luật này. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp và Chính phủ chưa cho rút mà đề nghị tiếp tục phối hợp, hỗ trợ đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí.
Nghị quyết 89/2023/QH15 ngày 2/6/2023 của Quốc hội về "Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023" đã đưa Luật Chuyển đổi giới tính do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề xuất vào Chương trình và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Hiện nay, Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ là cơ quan giúp cho đại biểu Nguyễn Anh Trí hoàn thiện hồ sơ Luật này, bà Thủy thông tin.