Theo đó, vào tối 10/4, các hội nhóm làm đẹp lan truyền hình ảnh bé gái được phun môi tại một thẩm mỹ viện. Theo tìm hiểu của phóng viên, những hình ảnh trên được đăng tải từ trang fanpage của Thẩm mỹ viện Sỹ Thắng và tài khoản Facebook Sỹ Thắng.
Trước đó, tài khoản Sỹ Thắng chia sẻ đoạn livestream quá trình phun môi cho bé gái với chú thích: "Môi gái đã bong, sẽ tốt hơn cho bé và đảm bảo không ảnh hưởng về sau nếu dòng mực tốt và kỹ thuật chuẩn. Hiện nay, đa số học sinh đến trường đều thích dùng son dễ nhiễm chì độc hại về sau nên Sỹ Thắng đã làm môi cho con gái để an toàn cho con gái hơn".
Nhiều người chia sẻ những bức ảnh phun môi của bé và thể hiện sự bức xúc với tài khoản Sỹ Thắng cũng như thẩm mỹ viện này.
Phía Thẩm mỹ viện Sỹ Thắng cũng xác nhận, thẩm mỹ xác nhận những hình ảnh bé gái phun môi trên mạng xã hội là do chủ cơ sở này trực tiếp thực hiện cho con gái từ cuối tháng 3. Theo phía đơn vị này, phương pháp thực hiện không gây tổn thương da, bé không có cảm giác đau. Bé gái này mặc cảm vì môi thâm. Do muốn có môi hồng như các bạn nên bé đã đòi phun môi.
TS Trần Ngọc Ánh - giảng viên bộ môn Da liễu, Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cũng bất ngờ khi biết hành động xăm môi cho cô bé mới 5 tuổi.
Bác sĩ Ánh cho biết xăm môi là thủ thuật xâm lấn, dùng đầu bút xăm đưa một lượng chất tạo màu vào sâu dưới lớp thượng bì. Việc phun xăm có thể thực hiện bằng bút thủ công hoặc bằng máy nhưng vẫn tiềm ẩn rất nhiều biến chứng. Đặc biệt, vùng môi là vùng nhạy cảm hơn các bộ phận khác nên việc xăm môi cũng có thể kéo theo rất nhiều hệ lụy cho sức khoẻ.
Các nguy cơ có thể gặp như dị ứng thuốc xăm môi, ngộ độc thuốc gây tê, biến chứng sau xăm như gây sưng, tấy đỏ, chảy máu, nổi mụn, tụ mủ hoặc xăm hỏng, lệch, gây sẹo vĩnh viễn…
Nếu không đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn, không thay kim trong quá trình phun xăm, người được xăm có thể bị lây truyền các bệnh nguy hiểm như HIV, viêm gan B, C..., nhất là khi họ phun xăm tại các cơ sở nhỏ, không đủ điều kiện tiệt trùng. Cá biệt, có những trường hợp bị sốc thuốc tiêm, phản ứng với thuốc tê… Nguyên nhân chính là do quá trình ủ tê mất nhiều thời gian, do đó, nhiều cơ sở đã chọn cách tiêm thuốc tê để rút ngắn công đoạn.
Bác sĩ Ánh cho rằng đối với trẻ 5 tuổi, đang trong giai đoạn phát triển, nếu không có chỉ định thẩm mỹ thì tuyệt đối người lớn không nên can thiệp bằng bất cứ biện pháp gì. Hiện nay, luật pháp không cấm tiến hành thẩm mỹ cho trẻ vì có nhiều trẻ cần được can thiệp khi bị sứt môi, hở hàm ếch... nhưng mọi công đoạn đều phải có chỉ định của bác sĩ.
TS Ánh khuyến cáo tốt nhất các bậc phụ huynh hoặc người nhà chỉ nên can thiệp khi trẻ đã bước qua tuổi dậy thì và nên làm ở các cơ sở làm đẹp uy tín, được cấp phép để tránh những biến chứng đáng tiếc.