Kinh tế Gig không phải cái gì đó quá xấu hoặc quá tốt
Theo quan điểm của ông, nền kinh tế Gig phải chăng là xu thế làm việc mới của các bạn trẻ?
- Trước hết, chúng ta phải hiểu khái niệm kinh tế Gig là gì. Có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau, nhưng đơn giản nhất để hiểu: đó là nền kinh tế mọi người thường làm việc trong những vị trí tạm thời và linh hoạt. Các doanh nghiệp có xu hướng thuê các lao động độc lập, tự do thay vì nhân viên toàn thời gian.
Xét về mặt công nghệ, với tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, nền kinh tế Gig giúp người lao động tìm việc làm thuận lợi hơn, doanh nghiệp cũng dễ dàng tuyển dụng được nhân sự hơn. Xét sự thuận lợi công việc và thu nhập, nền kinh tế Gig không đòi hỏi sự cam kết quá lớn giữa doanh nghiệp và người lao động. Người trẻ dễ dàng tham gia vào thị trường lao động, tăng thu nhập nhanh hơn. Các bạn trẻ cũng là những người nhanh chóng nắm bắt và sáng tạo, họ có xu hướng tìm nhiều công việc, tạm thời, linh hoạt, khi cần có thể chuyển sang công việc khác nhanh chóng.
Với những đặc điểm trên, có quan điểm cho rằng nền kinh tế Gig sẽ làm suy yếu nền kinh tế truyền thống của những người làm việc toàn thời gian.
Xu thế làm việc của giới trẻ ngày nay có sự thay đổi. Thế hệ trước có xu hướng gắn bó với công việc truyền thống, tạo sự nghiệp trọn đời, trong khi giới trẻ hiện nay luôn muốn khẳng định mình, có xu hướng muốn làm khác so với thế hệ trước. Nền kinh tế Gig như một công cụ để họ khẳng định bản thân, nghĩa là không cần phải giống thế hệ trước mà vẫn được điều họ mong muốn.
Các đặc điểm trên lý giải vì sao người trẻ chọn làm việc trong nền kinh tế Gig. Đây cũng có thể xem là những vấn đề phát triển mang tính tất yếu, không phải cái gì đó quá xấu, hoặc quá tốt. Đặc biệt sau dịch bệnh COVID-19, kinh tế Gig giúp mọi người có thêm lựa chọn làm việc từ xa, góp phần hình thành, phát triển nền kinh tế không tiếp xúc. Sử dụng công nghệ với Gig cũng giúp người trẻ tối ưu hóa về không gian và thời gian, không mất quá nhiều thời gian di chuyển giữa những nơi làm việc.
Vậy những người trẻ đang sống dựa vào nền kinh tế Gig được gì và mất gì, thưa ông?
Chúng ta có thể nói, bên cạnh mặt tích cực, nền kinh tế Gig có không ít mặt tiêu cực, người trẻ sẽ không ổn định về nghề nghiệp, luôn phải tìm công việc mới. Quan hệ giữa người lao động với nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ hay với khách hàng… cũng khó có thể được xây dựng và phát triển vững chắc, tin tưởng lâu dài. Bản thân những người lao động trẻ cũng gặp nhiều rủi ro, họ phải luôn tìm kiếm những hợp đồng khác nhau nếu muốn tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, một khi nền kinh tế chỉ phụ thuộc vào việc sử dụng người lao động tạm thời, linh hoạt, thì rất khó có được lực lượng lao động có trình độ và chuyên môn sâu, có kinh nghiệm và kỹ năng tay nghề cao – vốn đòi hỏi thời gian làm việc tích lũy kinh nghiệm trong thời gian dài; cũng không thể xây dựng được đội ngũ quản lý doanh nghiệp khi thời gian làm việc của người lao động ngắn, thay đổi công việc diễn ra nhanh chóng.
Kinh tế Gig xảy ra tất yếu do sự thay đổi về khoa học công nghệ, về văn hóa, khác nhau về thế hệ, xã hội. Đây là một vấn đề mới, tuy nhiên không quá đáng lo ngại, chúng ta luôn phải nhìn nhận đồng thời mặt tích cực và cả những hạn chế của mô hình kinh tế này.
Lợi ích bị lãng quên khi người trẻ không chọn việc lâu dài
Theo ông, làm thế nào để thu hút được nhân sự trẻ sang khối nhà nước, thay vì chạy theo xu hướng kinh tế Gig?
- Tôi nghĩ đây là câu hỏi rất hay, có thể thấy rằng hiện nay nhiều cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút nhân sự trẻ, đặc biệt là giữ chân được lực lượng lao động trẻ gắn bó lâu dài với công việc.
Làm thế nào để thu hút người trẻ làm việc tại khu vực nhà nước? Tôi nghĩ cần quay trở về câu chuyện nhu cầu. Nếu người trẻ chỉ mong muốn có công việc nhanh, thu nhập nhanh, không cần xây dựng sự nghiệp lâu dài thì hẳn nhiên họ sẽ chọn Gig, thông qua đó họ có thể trải nghiệm nhiều công việc khác nhau.
Nhưng nếu các bạn suy nghĩ về một sự nghiệp nhiều chục năm, điều này đòi hỏi có sự tích lũy, xây dựng quan hệ, niềm tin giữa các đồng nghiệp, đối tác... Các bạn phải đầu tư thời gian, công sức của mình, bất kể bạn làm việc cho khu vực nhà nước hay tư nhân. Riêng ở khu vực nhà nước, thu nhập được nhận định là không cao, lại mất khá nhiều thời gian để tích lũy kinh nghiệm. Trên thực tế, có những vị trí đem lại kinh nghiệm rất nhanh, có vị trí rất lâu mới tích lũy được.
Muốn “kéo” người trẻ về đầu quân, thứ nhất cần thay đổi nhận thức: Phải khiến các bạn trẻ hiểu được rằng khối nhà nước không mang lại lợi ích nhanh nhưng sẽ có lợi trong lâu dài. Khối nhà nước giúp các bạn có cơ hội rèn luyện tư duy tổng hợp, suy nghĩ đến tính bền vững của cả một tập thể, rèn luyện được thói quen, phẩm chất, đạo đức cũng như quan điểm chuyên môn… Từ đó, các bạn có thể sở hữu kỹ năng, tầm nhìn chiến lược tốt hơn. Tôi biết rất nhiều bạn làm 10-20 năm ở khối nhà nước, sau đó ra khu vực tư nhân, nhận được các vị trí có lương cao hơn rất nhiều so với những người làm ngay từ đầu ở khối tư nhân. Đó là lợi ích mà nếu các bạn không chọn nhà nước từ đầu thì chưa chắc đã đạt được.
Bên cạnh mặt tích cực, nền kinh tế Gig có không ít mặt tiêu cực, người trẻ sẽ không ổn định về nghề nghiệp, luôn phải tìm công việc mới. Quan hệ giữa người lao động với nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ hay với khách hàng… cũng khó có thể được xây dựng và phát triển vững chắc, tin tưởng lâu dài. |
Thứ hai, muốn thu hút người trẻ lựa chọn khối nhà nước, các lãnh đạo phải gần gũi các bạn trẻ hơn, tạo nhiều cơ hội cho họ tiếp cận thông tin, những bài học kinh nghiệm để họ nhìn thấy giá trị, lợi ích khi cống hiến cho khu vực này.
Thứ ba, tôi thấy rất nhiều người trẻ và không trẻ sau một thời gian trải nghiệm không muốn tiếp tục làm khối nhà nước nữa, lý do vì môi trường làm việc chưa thực sự thuận lợi, chưa tạo động lực để họ làm việc… Vì vậy, bản thân các cơ quan khối nhà nước phải thay đổi môi trường, để người lao động trân quý tình cảm, giá trị cũng như không khí làm việc, nỗ lực đóng góp tạo sức mạnh tập thể.
Hướng đến nền kinh tế xanh và bền vững
Dự đoán của ông như thế nào về xu hướng làm việc này, thưa ông?
- Theo tôi thì xu hướng này luôn hiện hữu và ngày càng đa dạng hơn. Người lao động được lựa chọn và tiếp cận các công việc hoàn toàn mới không hề tồn tại trong quá khứ, ví dụ như những người phát triển nội dung, livestream trên các nền tảng mạng xã hội.
Có những bạn bán hàng livestream có thể có thu nhập 100 triệu đồng/tháng, đây là điều chúng ta khó hình dung trong bối cảnh trước đây. Và rất nhiều người lao động cung cấp dịch vụ qua nền tảng công nghệ. Việc nhiều bạn trẻ, người lao động đang kinh doanh truyền thống cũng chuyển sang bán hàng qua ứng dụng công nghệ trở nên phổ biến, khả năng mở rộng thị trường cao hơn. Chúng ta nghe rất nhiều câu chuyện về taxi công nghệ, hàng quán hoạt động tốt hơn với sự hỗ trợ mạnh mẽ của lực lượng giao hàng đông đảo (delivery man, hay còn gọi là shipper)… Các cá nhân kinh doanh đã thay đổi hoàn toàn bức tranh kinh tế của mình. Xu hướng này đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn.
Toàn cảnh hội thảo "Gặp gỡ Nhật Bản 2023". Ảnh: Kondou. |
Thưa ông, làm thế nào có thể phối hợp các sàn thương mại điện tử tạo các giá trị kinh tế bền vững cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể?
- Tôi nghĩ đây là vấn đề hết sức ý nghĩa khi trong khoảng 10-20 năm gần đây chúng ta nói nhiều đến kinh tế bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các mô hình sàn thương mại điện tử chính là hình thức ứng dụng công nghệ số, hướng tới tập khách hàng lớn hơn rất nhiều trên phạm vi toàn cầu.
Vậy làm thế nào để tạo giá trị bền vững cho các doanh nghiệp và cá nhân? Chúng ta nhìn thấy xu hướng phát triển nhiều ngành trên thế giới hiện nay dịch chuyển dần sang hướng “xanh”, có yêu cầu cao như các sản phẩm có tiêu chuẩn cao, nguồn gốc “xanh”… Nếu chúng ta không tuân thủ luật chơi này, rất có thể ta sẽ đánh mất thị trường vào tay người khác. Ngược lại, nếu chúng ta hiểu và tuân theo xu hướng “xanh”, chúng ta thậm chí sẽ mở rộng được thị trường, các sản phẩm có giá bán cũng cao hơn hẳn… Các nhà hoạch định chính sách chắc chắn sẽ phải nâng cao nhận thức của nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng, triển khai các quy tắc, nguyên tắc… để nhà sản xuất thực hiện, đồng thời nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng tham gia vào đóng góp cho nền kinh tế bền vững cho tương lai./.