Như Ngày Nay đã phản ánh trong bài “Bãi rác Đa Phước: Miếng ‘gân gà’ của thành phố giờ ra sao?”, cứ vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10), người dân tại khu vực Nam Sài Gòn (gồm quận 7, 8, huyện Nhà Bè, Bình Chánh), đặc biệt là cư dân Phú Mỹ Hưng liên tục phản ánh về mùi hôi thối xuất phát từ Bãi rác Đa Phước, tấn công môi trường sống. Nhiều người phải bán nhà đi nơi khác, hoặc đóng cửa nhà để đến quận khác sinh sống vì không chịu nổi mùi rác thải.
Bài “Công ty VWS đã sai phạm những gì tại Bãi rác Đa Phước?” dẫn lại kết luận của Thanh tra Chính phủ, nêu rõ những sai phạm của Công ty VWS tại Bãi rác Đa Phước. Trong đó có việc gây ô nhiễm môi trường và sử dụng công nghệ làm phân nhưng thực tế đem chôn, không phân loại, tái chế.
Thanh tra Chính phủ cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.Hồ Chí Minh yêu cầu Công ty VWS khẩn trương khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đã tồn tại bấy lâu. Tuy nhiên, Công ty VWS vẫn để mùi hôi tái diễn với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Tháng 6/2017, Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty VWS số tiền kỷ lục trong lĩnh vực môi trường là hơn 1,5 tỉ đồng về 5 vi phạm.
Để làm rõ việc mùi hôi thối tại Bãi rác Đa Phước đang “bức tử” người dân khu Nam, phóng viên Ngày Nay đã nhiều lần liên lạc với Công ty VWS tại địa chỉ số 42 Lý Văn Phức (quận 1, TP.Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, phía Công ty VWS liên tục “trốn” phóng viên bằng nhiều cuộc hẹn.
Phóng viên Ngày Nay đang tiếp tục liên lạc với đơn vị này để làm rõ những vấn đề liên quan.
Bãi rác Đa Phước nằm trên diện tích 128 ha, hoạt động trong 24 năm. Giai đoạn 1 của dự án được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2007. Công ty VWS được đầu tư 100% vốn từ Công ty California Waste Solution (có trụ sở tại Mỹ) chịu trách nhiệm về thiết kế, xây dựng và vận hành Bãi rác Đa Phước.
Năm 2018, Thanh tra Chính phủ tiếp tục có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đơn tố cáo của công dân, chỉ ra nhiều sai phạm của công ty VWS trong việc xử lý rác tại Bãi rác Đa Phước. Theo đó, dự án gây ô nhiễm môi trường và sử dụng công nghệ làm phân nhưng thực tế đem chôn, không phân loại tái chế.