Số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Newzoo cho thấy, Đông Nam Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng game di động cao nhất nhì thế giới, bình quân khoảng 7,4%/năm trong giai đoạn 2022-2025. Doanh thu ngành game đã có bước nhảy vọt từ 2,4 tỷ USD năm 2019 lên hơn 5,3 tỷ USD năm 2023. Ngành công nghiệp game Việt Nam có những bước tiến vượt bậc, với 54,6 triệu người chơi game, doanh thu năm 2023 là 507 triệu USD, trong đó mảng game liên quan đến eSports đạt được nhiều thành tích cao.
Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Nhóm Kinh doanh, Marketing và Truyền thông, Tập đoàn Intel tại thị trường Việt Nam nhận định: Thời gian qua, game Việt đạt nhiều cột mốc ấn tượng. Lĩnh vực game và thể thao điện tử sở hữu những tiềm năng đáng nể. Thể thao điện tử (Esports) tại Việt Nam cũng có những bước phát triển vô cùng ấn tượng. Mười năm qua, các đội tuyển Esports Việt Nam đã vươn mình ra khỏi khu vực Đông Nam Á để cạnh tranh với những đội tuyển hàng đầu khác trên toàn cầu. Tại SEA Games 31, Đoàn Thể thao điện tử Việt Nam đã xuất sắc giành 4 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc.
Với hơn 18 triệu người chơi thể thao điện tử, theo Sách trắng Thể thao điện tử Việt Nam 2021, ngành thể thao điện tử Việt Nam đang sở hữu một nền tảng tiềm năng để phát triển. Việc Esports xuất hiện tại SEA Games cũng thể hiện nỗ lực thúc đẩy thể thao điện tử của Chính phủ. Giờ đây, game thủ chuyên nghiệp hay các nghề nghiệp liên quan đến game và thể thao điện tử đang ngày càng phổ biến hơn tại Việt Nam. Các giải đấu thể thao điện tử trong nước từ cấp độ chuyên nghiệp, bán chuyên, cho đến đại học đang ngày một phổ biến hơn...
Đánh giá về tiềm năng, lợi thế, cơ hội phát triển của ngành công nghiệp game Việt Nam, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Game là ngành công nghiệp đóng góp rất tốt vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành game Việt Nam hiện có hai nhóm: Nhóm sản xuất game và nhóm phát hành game; trong đó, tiềm năng lớn ở nhóm sản xuất game. Việt Nam cũng có nhiều lập trình viên đạt trình độ làm game cung cấp lên hai store lớn nhất là Google và Apple.
Số liệu tổng hợp từ Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho thấy, có khoảng 50% game di động phổ biến hiện nay có xuất xứ từ Việt Nam - làm một phần (outsourcing) hoặc viết hoàn toàn. Người Việt chiếm ưu thế rất lớn về những game đơn giản, những game phức tạp (G1) hiếm. Cứ 25 game tải lên các store, có 1 game là của Việt Nam, tỷ lệ này là cao hơn nhiều so với các nước khác. Như vậy, game là ngành công nghiệp không khói mà Việt Nam có rất nhiều lợi thế phát triển, thu hút được ngoại tệ của nước ngoài.
Những rào cản, vướng mắc
Dù có nhiều lợi thế, tiềm năng nhưng ngành game Việt Nam cũng còn những khó khăn. Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do chỉ rõ: Dù ngành game tại Việt Nam vẫn đang phát triển về cả chất lượng lẫn số lượng người chơi, tuy nhiên trong khi người Việt sản xuất game cho nước ngoài, hầu hết các game được phát hành tại Việt Nam lại là game từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh ngành game đang dần được công nhận, vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực lại đang chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Theo bà Vũ Minh Hạnh, Chánh văn phòng Hiệp hội phát triển game Việt Nam, có một thực tế là việc đào tạo các chuyên ngành về game vẫn chưa phổ biến, chưa có nhiều người biết đến. Năm 2023, Học viện Bưu chính Viễn thông mới có chương trình chính quy đầu tiên về thiết kế và đào tạo về game.
Việc phát triển game gặp nhiều khó khăn do chưa có nhân sự làm bài bản. Nhân sự làm game từ trước chủ yếu là các những người học lĩnh vực khác, như công nghệ thông tin, thiết kế đồ hoạ…, có đam mê về ngành game, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian đào tạo. Do rào cản này, Việt Nam không thể làm được các sản phẩm game đạt được trình độ cao của quốc tế. Đây là thiệt thòi lớn, bởi ta có nhiều điều kiện để phát triển nhưng thiếu đi cơ hội để vượt lên.
Về mặt doanh thu, dù xếp thứ 3 năm 2022 khi đạt 507 triệu USD từ 54,6 triệu người chơi, nhưng quy mô doanh thu game di động ở thị trường Việt Nam vẫn còn duy trì khoảng cách khá xa so với Thái Lan - vốn đạt doanh thu 763 triệu USD với 38,3 triệu người chơi. Khoảng cách chênh lệch sẽ tiếp tục đến năm 2025 và doanh thu tại Việt Nam chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với tổng doanh thu ngành game ở Đông Nam Á. Điều này được cho là bắt nguồn từ một số chính sách khác biệt tại thị trường game di động Việt Nam so với các quốc gia Đông Nam Á còn lại.
Tại Thái Lan, hạ tầng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của ngành game, bên cạnh yếu tố hiệp hội ngành game và cộng đồng lập trình game. Thái Lan cũng rất quan tâm đến việc đưa văn hóa vào game để quảng bá hình ảnh quốc gia. Bà Pawitporn Jianprasert Giám đốc cấp cao Garena Online cho biết, việc giới thiệu văn hóa Thái Lan vào game được coi là thế mạnh và bí quyết thành công. Garena đã tung ra nhiều game mang phong cách Thái Lan như quần áo hình con voi..., điều này tạo nên một môi trường vui nhộn, tạo được sự quan tâm không chỉ ở trong nước, còn quảng bá văn hóa đất nước ra quốc tế.
Ngoài ra, có thể kể đến hai thị trường lớn về game trên thế giới mà Việt Nam có thể học hỏi, đó là Hàn Quốc và Trung Quốc. Đầu những năm 2000, Hàn Quốc đã thực thi hàng loạt chính sách hỗ trợ ngành game, tạo nên một vòng tròn sinh thái hoàn chỉnh, thành lập Tổ chức KeSPA (Hiệp hội thể thao điện tử Hàn Quốc) để tập trung tổ chức những giải đấu game tầm cỡ 2,5 triệu USD. Nhờ sự hỗ trợ đó, Hàn Quốc được xem là cường quốc về thể thao điện tử và thu được rất nhiều lợi ích kinh tế trong lĩnh vực này. Trong khi đó, Trung Quốc công nhận Esports là một trong 1.900 nghề có danh xưng, nhiều vị trí công việc tốt; đổng thời mở ra nhiều ngành học về Esports…
Mục tiêu 1 tỷ USD
Với mục tiêu kế hoạch sau 5 năm, doanh thu ngành game tăng lên mức 1 tỷ USD, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết: Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành game trình Chính phủ ban hành. Trong đó bao gồm thành lập liên minh game; thay đổi định kiến để xã hội thấy rằng ngành game đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; kêu gọi các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia cơ hội đầu tư hợp tác tại Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm việc chặt chẽ với các bộ, ngành khác để có những hỗ trợ ưu tiên phát triển ngành game, như: bỏ các loại thuế không hợp lý; có các chính sách thí điểm (sandbox) đối với các thể loại game mới; trình Chính phủ Nghị định mới về quản lý game, trong đó kiến nghị bỏ các giấy phép, thủ tục hành chính rườm rà để các doanh nghiệp game thuận lợi hơn trong việc phát triển.
Đồng thời, Bộ quyết liệt tháo gỡ 3 vấn đề lớn của ngành game Việt đó là: cạnh tranh với game lậu xuyên biên giới; doanh nghiệp game (phát hành) không mua được game tốt từ nước ngoài vì họ bán xuyên biên giới; những nhà sản xuất game còn rất manh mún, không tập hợp đoàn kết.
Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cùng các đơn vị liên quan đã và đang xây dựng các nền tảng quan trọng, trong đó có việc đào tạo.
Hiện, Học viện Bưu chính Viễn thông Việt Nam đào tạo ngành game theo hướng chính quy bậc đại học; Tổng Công ty VTC đào tạo nhân lực lành nghề, tạo nên nguồn nhân lực dồi dào và trình độ cao về game. Bên cạnh đó, cần thay đổi định kiến của xã hội để game là một ngành công nghiệp tạo ra những giá trị; phụ huynh có góc nhìn cho con theo học và làm về game như lập trình game, đồ họa game, thiết kế game… và từ đó để tạo nên những startup tên tuổi trong tương lai.