Cứ 100 ca cấp cứu chỉ đáp ứng được... 7 ca

Với 21 xe cấp cứu hiện có và lượng cán bộ, bác sĩ có hạn, nếu có 100 ca có nhu cầu cấp cứu, Trung tâm 115 Hà Nội chỉ đáp ứng được... 7 ca. Với thành phố có chục triệu dân như Hà Nội, đây là một vấn đề rất nan giải.
Trung tâm 115 Hà Nội hiện gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Ảnh: Trường Phong.
Trung tâm 115 Hà Nội hiện gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Ảnh: Trường Phong.

21 xe cấp cứu/10 triệu dân

Chiều 31/5, Ban Văn hóa Xã hội HĐND thành phố Hà Nội làm việc với Trung tâm 115 Hà Nội. Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm 115 nêu nhiều khó khăn, điển hình như việc cơ sở vật chất của Trung tâm xuống cấp, các trạm cấp cứu phải đặt nhờ tại một số bệnh viện. Tổng số xe cứu thương phục vụ cho công tác cấp cứu và vận chuyển cấp cứu chỉ có 22 xe, trong đó 1 xe hư hỏng đang chờ thanh lý.

Những năm gần đây, nhiều bác sĩ của Trung tâm bỏ việc, khiến nguồn nhân lực bị thiếu hụt trầm trọng. Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, đã có 5 bác sĩ thôi việc, 2 người chuyển công tác, 10 điều dưỡng xin thôi việc. “Theo tiêu chuẩn của WHO, cứ 1 triệu dân thì cần có 15 kíp xe cấp cứu. Hà Nội cần 150 kíp xe cấp cứu thường trực. Nhưng hiện nay, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 14 kíp xe mỗi ngày. Một số huyện ngoại thành thuộc Hà Tây trước đây, Trung tâm không phục vụ được vì quá xa”, ông Thành nói.

Ông Thành thông tin, đến thời điểm hiện tại, giấy phép hoạt động của Trung tâm chưa có. Cụ thể, quy định về cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở y tế có từ năm 2012 nhưng tại thời điểm đó, việc mô tả giấy phép hoạt động cấp cứu trước bệnh viện chưa có. Sau này, khi có quy định cấp phép hoạt động cấp cứu và vận chuyển thì lại có một số vướng mắc nhất định.

“Hiện nay rất nhiều bác sĩ của Trung tâm không được cấp chứng chỉ hành nghề, bởi vì theo quy định bác sĩ phải có một thời gian nhất định công tác trong các cơ sở y tế có giường bệnh mới đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, Trung tâm cấp cứu 115 không có giường bệnh nên làm ở đây 10 năm cũng không đủ điều kiện. Nếu nói về góc độ pháp lý, rất nhiều bác sĩ hoạt động không có giấy phép. Nhưng nếu không cho hoạt động thì Trung tâm này sụp đổ”, ông Thành nói thêm.

Ông Thành cũng trăn trở, vẫn còn hiện tượng hành hung, coi thường nhân viên 115. “Bình thường, một kíp cấp cứu có 3 người. Gọi là đến, nhưng không biết đó thuộc đối tượng nào. Có thể gặp ngay đối tượng ngáo đá, vừa thấy đội ngũ cấp cứu đến là vác hung khí ra lùa ngay. Chúng tôi thường xuyên bị tấn công”, ông Thành nói. Ông Thành cũng ví dụ, có cả trường hợp khi bệnh nhân tai nạn ngoài đường, nhân viên Trung tâm đến người nhà tấn công ngay, bảo “tao không cần chúng mày cấp cứu”. Ông Thành cho rằng, ngay cả trong bệnh viện cũng vẫn còn cách nhìn nhận học dốt, không có năng lực mới đi làm nhân viên cấp cứu. “Ngay cả con em chúng ta làm nghề y, có ai đồng ý cho làm 115 không? Lương thấp và nguy hiểm. Ngay cả bác sĩ trong bệnh viện cũng nói kiểu “mấy thằng cấp cứu 115”, ông Thành xót xa.

Đáp ứng 7/100 ca cấp cứu

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, Trung tâm cấp cứu 115 là mô hình, tổ chức hoạt động theo quy định của Luật khám chữa bệnh, hoàn toàn có thể cấp phép được. Tuy nhiên để cấp phép, phải đáp ứng một số vấn đề, nhưng Trung tâm 115 gặp khó khăn lớn nhất về nhân lực. “Theo quy định của luật từ ngày 1/1/2012, các bác sĩ bắt buộc phải làm việc ở các bệnh viện có giường bệnh mới được cấp chứng chỉ hành nghề nhưng Trung tâm lại không có giường bệnh nội trú”, bà Hà nói.

Bà Hà gợi ý, Trung tâm 115 cần chủ động, mạnh dạn nghiên cứu các quy định của luật, gửi các bác sĩ của Trung tâm đi thực hành tại các bệnh viện để có đủ thời gian theo quy định cấp chứng chỉ hành nghề. “Trong trường hợp chưa đủ điều kiện thì rà soát lại toàn bộ nhân lực và nộp hồ sơ về Sở để cấp giấy phép hoạt động đối với các bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề. Nội dung này sẽ được triển khai ngay”, bà Hà thông tin.

Bà Hà cũng bổ sung, nói là đáp ứng 100% cuộc gọi cấp cứu, nhưng thực tế, với trang thiết bị, cơ sở vật chất và con người như hiện nay, cứ 100 ca có nhu cầu cấp cứu trên địa bàn thành phố, Trung tâm 115 mới chỉ đáp ứng được...7 ca. Đây là bài toán rất khó giải. Sắp tới sẽ phải xin quy hoạch thêm mạng lưới trạm cấp cứu, có thêm cơ chế chính sách thu hút nhân lực. Ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chia sẻ, đúng là việc nghiên cứu mô hình phát triển cho Trung tâm 115 rất khó. “Chúng ta đang thiếu nhiều cơ sở pháp luật để sắp xếp Trung tâm 115. Nếu bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề thì Trung tâm cũng không thể có giấy phép hoạt động”, ông Hưng nói.

Ông Hưng đánh giá, các nhân viên Trung tâm 115 tiếp cận với bệnh nhân thời điểm ban đầu, rất nhiều loại bệnh tật nên dễ bị hành hung, đánh đập, lây nhiễm. “Hiện cũng chưa chú ý nhiều đến bảo đảm an toàn trong cấp cứu 115, trong khi một ca chỉ có 1 – 2 người”, ông Hưng nói thêm. Ông Hưng cũng cho rằng, với thành phố hơn 10 triệu dân mà chỉ có hơn 20 xe cứu thương, cấp cứu được 7% thì “chẳng có ý nghĩa gì”. “Công tác cấp cứu 115 cần nhất là vận chuyển bệnh nhân đến sớm, nhưng xe cấp cứu không có, đường thì tắc. Trong công tác này, chỉ cần đến sớm hơn, phối hợp tốt hơn thì tỷ lệ cứu sống người bệnh cao hơn nhiều”, ông Hưng nói đồng thời kiến nghị, phải có thêm nhiều biện pháp hỗ trợ cho Trung tâm 115 trong thời gian tới. Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND thành phố Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, sẽ ghi nhận các kiến nghị, đề xuất để báo cáo lãnh đạo HĐNĐ, UBND thành phố xem xét.

Theo Tiền Phong
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.