Tiếng mà chẳng có miếng
Nếu chỉ tính để vinh danh, thì hiện giờ các nghệ nhân nói chung và nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể không thiếu. Danh hiệu nghệ nhân của Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam, nghệ nhân nghề thủ công truyền thống còn có cả danh hiệu nghệ nhân từ Bộ Công thương, lại thêm danh hiệu từ các địa phương tự vinh danh vì không chờ được cấp trên, rồi việc xét tặng Nghệ nhân nhân dân (NNND) nghệ nhân ưu tú (NNƯT) bàn qua tính lại cả mấy năm nay. Cứ nhìn vào đó thì thấy các nghệ nhân được nhiều quan tâm.
Thế nhưng trong khi danh hiệu nghệ nhân của Hội, nói như GSTô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam là: “Chúng tôi không chờ được cấp trên nên đành tự trao cho nhau, vinh danh thôi chứ cũng chả biết làm gì hơn”, danh hiệu của địa phương thì đôi khi ở tình trạng “loạn chất lượng”, thì nghị định NNND và NNƯT đều ở trạng thái hoãn không biết đến bao giờ. Cơ chế, ưu đãi cho các nghệ nhân cũng mịt mù như ngày chính thức phong danh hiệu. Những nghệ nhân ca trù như cụ Phan Thị Mơn, cụ Nguyễn Thị Chúc… lần lượt khuất núi, không chờ nổi ngày vinh danh. Những nghệ nhân khèn Mông Hà Giang đã hiếm ngày một hiếm hơn, cả Hà Giang giờ chỉ còn một nghệ nhân bền bỉ nhất là cụ Ma Kháy Sò. Nghệ nhân những tri thức độc đáo như làm rối gỗ, làm thuyền độc mộc Kon Tum thì lần làm hồ sơ này cũng là lần đầu được biết tới rộng rãi.
Ngoài danh hiệu, sự hỗ trợ, tạo điều kiện tốt để nghệ nhân làm việc mới thật sự quan trọng. Trong ảnh là nghệ nhân phường rối nước Bình Phú – Thạch Thất – Hà Nội đang tạo tác quân rối. |
Cho nên có được 736 hồ sơ để duyệt, trước tiên cứ mừng đã! Mừng là vì nghệ nhân ở các lĩnh vực còn rất đa dạng (tức là cũng mừng vì vẫn còn nghệ nhân để mà phong danh hiệu). Hùng hậu nhất là Hà Nội với 52 hồ sơ, mà ở đó gần như tất cả những con người đắm đuối với ca trù bấy lâu nay, cuối cùng đã hoàn thành hồ sơ. Nghệ An có 42 hồ sơ, mà đa phần là nghệ nhân ví, giặm. Kon Tum đưa lên toàn hồ sơ nghệ nhân các dân tộc thiểu số, từ múa cồng chiêng, đàn đá, hát sử thi, đóng thuyền, làm con rối.
“Mau lên chứ, vội vàng lên với chứ”
Trong số 736 hồ sơ đề nghị xét tặng, cứ thấy nao lòng khi trong đó có những nghệ nhân đáng lý phải được lên tầm đại lão làng từ rất lâu. Nhưng cũng xót xa cho những nghệ nhân giờ mới được trình hồ sơ như các cụ Nguyễn Thị Sinh (94 tuổi), Vũ Văn Hồng (95 tuổi), Nguyễn Thị Khướu, Nguyễn Thị Vượn (87 tuổi), Nguyễn Phú Đẹ (92 tuổi). Lớp các cụ giờ cũng đã thôi trình diễn mà chủ yếu truyền nghề. Đặt tên những người cuối cùng của ca trù ngày xưa cạnh những nghệ nhân trẻ, thấy xót xa cho một cuộc vinh danh rầm rộ. Mà đây mới là đang xem xét hồ sơ thôi. Có lẽ cần thêm những vinh danh cho một thế hệ đã dành cả cuộc đời để gìn giữ di sản quý báu ấy, để ca trù dù đau đớn khắc khoải những vẫn còn tồn tại được trong đời sống hiện tại.
Hay trong 10 hồ sơ của Hà Giang trình lên, duy nhất nghệ nhân khèn Mông là Ma Kháy Sò, tuổi đã ngoài 70. Còn nhớ từ những năm của liên hoan khèn Mông lần thứ nhất, bàn ban giám khảo còn bốn nghệ nhân, bây giờ thì chỉ còn cụ Ma Kháy Sò. Cụ cứ cảm khái rằng cứ đà này, khèn Mông sẽ mất thôi. Cụ bao năm đi dạy khèn, truyền nghề đủ lứa, nhưng cứ dạy ở lớp nào “nhà nước tổ chức” là cụ nửa vui, nửa buồn. Vui vì cuối cùng nhà nước quan tâm, buồn vì mấy lớp ấy học như ma đuổi, xong rồi về, được vài điệu khèn mà đã coi như là thành công. Điều ấy với một người bao năm day dứt với tiếng khèn vắt ngang sườn núi như cụ không hiểu nổi.
Vinh danh, dẫu sao chỉ là một sự tri ân trên giấy tờ. Làm được gì cho các nghệ nhân, làm được gì cho công cuộc bảo vệ di sản (phải nói là bảo vệ, vì nhiều cuộc vinh danh lại mang tính chất phá hoại), mới là điều quan trọng.
Nhưng thôi, cứ được vinh danh là mừng trước đã. Mong là lần này việc xét hồ sơ được làm nhanh, chứ chờ mãi rồi nghệ nhân cũng nản!
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm
Nguy cơ sụp đổ ngôi đình nhiều cột nhất Việt Nam