Cụ ông là N.V.N ( 68 tuổi) ở Hưng Yên, theo lời kể của gia đình bệnh nhân, mấy ngày lạnh quá nên cụ sưởi ấm trong lúc sơ ý đã bị bỏng. Do lạnh mặc nhiều quần áo ngọn lửa lan nhanh, cụ phản ứng chậm khiến tình trạng bỏng rộng . Gia đình nghe mách có thầy lang chữa bỏng rất tốt ở Bát Tràng nên đưa cụ đến đó để chữa. Sau khi đến nhà thầy lang khoảng 10 giờ sáng hôm trước được thầy cho bôi loại thuốc lên các vết bỏng nhưng đến 7 giờ sáng ngày hôm sau người thân thấy cụ có tình trạng nặng, người mệt mỏi không ăn uống nên vội đưa cụ vào Bệnh viện Xanh –Pôn để được cấp cứu.
Tại đây các bác sĩ chẩn đoán cụ bỏng toàn thân khoảng 70%, bỏng độ 3, độ 4 và sốc nặng nên được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia.
Theo TS BS Nguyễn Hải An-. Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu,Viện Bỏng quốc gia cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân đã trong tình trạng sốc nặng, các bác sĩ đã tiến hành chống sốc và chống nhiễm khuẩn kết hợp với các thuốc đặc trị.
Sau 1 tuần mặc dù đã được các bác sĩ y tá tích cực chăm sóc và điều trị nhưng bệnh nhân không qua khỏi và đã tử vong.
Chia sẻ về trường hợp này, BS An cho rằng khi bị bỏng cần sơ cứu và chuyển ngay đến cơ sở y tế để được điều trị và chăm sóc đúng. Vì chỉ cần quá 6 tiếng đã sốc nhiệt bệnh nhân không chịu được, hoại tử do tác dụng của nhiệt gây ra do thời gian tiếp xúc với nhiệt. Khi nhiệt lượng càng lớn, thời gian tiếp xúc càng lâu – càng gây ra bỏng sâu.
Theo các BS, bỏng là tai nạn phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải, đặc biệt, càng thiếu kỹ năng bao nhiêu, càng hay bị bỏng bấy nhiêu. Nếu không biết cách xử lý vết thương khi bị bỏng, thì hậu quả sẽ càng nặng nề.
Ngoài bỏng do cháy nổ, nhiều người thường xuyên bị bỏng khi làm bếp, bỏng bô xe máy và các thiết bị trong sinh hoạt và nơi làm việc.
Theo các BS, bỏng là tai nạn phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải, đặc biệt, càng thiếu kỹ năng bao nhiêu, càng hay bị bỏng bấy nhiêu. Nếu không biết cách xử lý vết thương khi bị bỏng, thì hậu quả sẽ càng nặng nề. Ảnh minh hoạ: Internet
Bỏng là tai nạn không báo trước và không trừ một ai, vì vậy, những kỹ năng sau đây sẽ giúp bạn giảm thiểu hậu quả khi chẳng may bị bỏng.
Chuyên gia sơ cấp cứu Tony Coffey, người Australia hướng dẫn cách xử lý khi gặp nạn nhân bị bỏng.
Dưới đây là các thao tác đúng:
1. Làm mát vùng da với nước sạch ít nhất 20-30 phút.
2. Che vết bỏng với vải chuyên dùng sạch, không dính.
3. Tháo gỡ quần áo chật, trang sức, đồng hồ.
4. Tháo bỏ quần áo nhiễm bẩn nếu nó không dính chặt vào vết bỏng.
5. Rửa sạch các hóa chất còn trên da, mắt, tóc.
6. Kiểm tra đường thở và các triệu chứng bất thường khác trên cơ thể.
Chuyển nạn nhân tới bệnh viện để được cấp cứu và điều trị kịp thời
Lưu ý, không dùng đá lạnh chườm lên vết bỏng vì việc bị chuyển nhiệt độ đột ngột có thể khiến cho da bị bỏng 2 lần. Cần kiên nhẫn cho vùng bỏng dưới vòi nước vì da lúc này cần thời gian để trở về trạng thái ban đầu.
Nhiều người có quan niệm bôi bơ, kem đánh răng hoặc nước mắm lên vết bỏng. Điều này có thể làm vết bỏng thêm trầm trọng. Tuyệt đối không chọc thủng hoặc làm xì các vết rộp phỏng, không tự ý bôi dầu vào vùng da bị bỏng.