Với phần lớn trong số 2,3 triệu người ở Gaza phải rời bỏ nhà cửa do cuộc tấn công quân sự của Israel, hơn một nửa trong số họ chen chúc vào khu vực cửa khẩu Rafah giáp với Ai Cập. Tình trạng thiếu tã lót đang khiến cuộc sống của trẻ sơ sinh và các phụ huynh trở nên khốn khổ.
Yasser Abu Gharara, chủ một xưởng may, cho biết: “Có 1,5 triệu người phải di dời tới thành phố Rafah và không có đủ tã lót”.
Ông Gharara cho biết tình trạng thiếu tã lót đã đẩy giá một gói tã ở chợ lên khoảng 200 shekel (hơn 1,3 triệu đồng), một mức giá cắt cổ đối với các gia đình cũng đang phải chạy ăn từng bữa.
“Nếu các ngân hàng mở cửa, bạn sẽ cần vay vốn để mua tã", ông Gharara nói và cho biết xưởng may của mình đang sử dụng quần áo bảo hộ tái chế có từ đại dịch COVID-19 làm nguyên liệu để sản xuất tã lót. “Chúng tôi không chỉ làm tã lót cho trẻ sơ sinh mà còn cho cả người già và người khuyết tật”.
Đối với những người phải sống trong các lều trại, tình trạng khan hiếm tã lót đang đe dọa tới sức khỏe của nhiều trẻ nhỏ.
Inas Al-Masry, một bà mẹ 3 con, cho biết cô đã phải sử dụng một chiếc quần đùi nhỏ xíu được làm từ túi đựng hàng tạp hóa thay cho tã lót.
Al-Masry nói rằng cô không đủ khả năng để mua tã với giá 180 hoặc 190 shekel mỗi gói. Cặp song sinh của cô dùng hết một bịch bỉm mỗi tuần.
“Ngay cả chiếc chăn tôi đang đắp cho con, ngày hôm sau tôi cũng phải thay toàn bộ. Bọn trẻ đều cần quần áo nhưng lại không có, chăn cũng không. Chúng tôi không có gì cả. Thậm chí còn không có nệm, chúng tôi bị vứt trong lều trên đường phố", bà mẹ trẻ cho biết.
Ngày 19/2, các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) cùng cảnh báo số ca tử vong ở trẻ em Gaza có thể tăng mạnh do thiếu thực phẩm, dưỡng chất và dịch bệnh lây lan mạnh.
Theo đánh giá chung của các cơ quan bảo vệ trẻ em, an toàn thực phẩm và y tế của LHQ, ít nhất 90% trẻ em dưới 5 tuổi ở Dải Gaza bị 1 hoặc nhiều bệnh truyền nhiễm. Đáng chú ý, 70% trẻ em tại đây bị tiêu chảy trong khoảng 2 tuần trước khi bản đánh giá được thực hiện, tức là tăng 23 lần so với cơ sở so sánh của năm 2022.
Bản đánh giá của LHQ cũng cho thấy 15% trẻ em dưới 2 tuổi ở phía Bắc Dải Gaza đang bị thiếu dưỡng chất cấp tính trong khi 3% bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng có nguy cơ tử vong cao. Tại phía Nam Dải Gaza, 5% trẻ em dưới 2 tuổi bị thiếu dinh dưỡng cấp tính. Trước khi xung đột bùng phát, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cấp tính chỉ là 0,8%.