Ông Terens lần đầu đến Pháp với tư cách là một hạ sĩ của Lực lượng Phòng không Lục quân Mỹ. Giờ đây, ông vẫn giữ tinh thần lạc quan ở tuổi 100. Vào tháng 6 tới, ông sẽ được vinh danh tại lễ kỷ niệm 80 năm ngày giải phóng Paris khỏi chế độ Đức Quốc xã. Sau đó, ông dự định tổ chức hôn lễ với bà Swerlin (96 tuổi) tại một thị trấn gần bãi biển nơi quân đội Mỹ đổ bộ.
“Tôi yêu người phụ nữ này, bà ấy rất đặc biệt,”. Được biết, hai người đã hẹn hò từ năm 2021.
“Ông ấy là một người đàn ông tuyệt vời. Ông ấy yêu tôi rất nhiều.” bà Swerlin nói.
Vợ của ông Terens và chồng của bà Swerlin đều đã qua đời. Hai người lớn lên ở cùng thành phố New York, nhưng bà ở quận Brooklyn còn ông ở Bronx.
Chàng thanh niên Terens nhập ngũ năm 1942 và chuyển đến Vương quốc Anh một năm sau đó để gia nhập phi đội máy bay chiến đấu P-47 Thunderbolt với tư cách là kỹ thuật viên sửa chữa.
Vị cựu chiến binh bày tỏ niềm thương tiếc đến những đồng nghiệp đã hy sinh trong chiến tranh: “Tôi yêu quý tất cả những chàng trai trẻ ngày ấy. Họ nằm xuống khi mới khoảng 26 tuổi xuân”.
Vào ngày quân Anh, Mỹ đổ bộ vào miền Bắc nước Pháp (6/6/1944), ông Terens đang sửa những chiếc máy bay trở về từ Pháp. Ông cho biết một nửa số phi công của phi đội đã hy sinh vào ngày hôm đó.
12 ngày sau, ông Terens đến Pháp với nhiệm vụ áp giải lính Đức và đưa những tù binh Mỹ vừa được trả tự do trở về Anh. Trong ký ức của người cựu chiến binh, người Đức vui mừng vì họ biết sẽ có cơ hội sống sót sau chiến tranh. Trái lại, những người lính Mỹ “không còn đủ tỉnh táo” vì bị những tên giám ngục Đức Quốc xã hành hạ dã man trong thời gian dài.
Sau đó người lính trẻ được giao một nhiệm vụ bí mật mà thậm chí không biết điểm đến của mình ở đâu. Terens đã điều khiển máy bay bay qua Bắc Phi trước khi hạ cánh xuống Tehran. Tại vùng sa mạc này, ông đã sống sót sau một vụ cướp khiến bản thân trần trụi và sợ hãi về cái chết đang gần kề. May mắn mỉm cười với Terens khi ông gặp một đội tuần tra của cảnh sát quân đội Mỹ đi ngang qua Tehran.
Trên đường đến một sân bay của Liên Xô ở Ukraine, Terens biết được chi tiết về nhiệm vụ bí mật của mình. Theo chiến lược mới, máy bay ném bom của Mỹ sẽ xuất phát từ Anh để tấn công các mục tiêu của phe Trục ở Đông u. Tuy nhiên, họ không có đủ nhiên liệu để quay về nên phải hạ cánh ở Liên Xô. Công việc của Terens là cung cấp thức ăn cho phi hành đoàn và chữa trị cho những phi công bị thương trước khi máy bay được tiếp nhiên liệu trở về Anh.
Trong thời gian đó, Terens đã mắc phải bệnh kiết lỵ, căn bệnh gần như đã vắt kiệt sức lực ông.
Trong một lần đối mặt với tử thần khác, một nhân viên phục vụ Anh đã từ chối phục vụ Terens sau giờ đóng cửa mặc dù ông hết lời van nài cho mình uống thêm chỉ một ly rượu. Vài phút sau khi Terens bị đuổi ra khỏi quán, một tên lửa Đức đã phá hủy quán rượu.
Sau khi Đức Quốc xã đầu hàng vào tháng 5/1945, Terens lại được giao nhiệm vụ đưa các tù nhân Đồng minh được trả tự do đến Anh trước khi đưa họ trở lại Mỹ một tháng sau đó.
Năm 1948, ông kết hôn với Thelma, một giáo viên tiếng Pháp. Họ có với nhau hai con gái và một con trai. Ông trở thành Phó chủ tịch chi nhánh Mỹ cho một tập đoàn của Anh. Năm 2006, sau khi bà Thelma nghỉ hưu, gia đình ông Terens chuyển từ New York đến Florida; bà qua đời năm 2018. Ông có 8 cháu và 10 chắt.
Về phần bà Swerlin, khi còn là thiếu nữ, bà đã quen biết với những người lính và nhận được những món quà lưu niệm thời chiến như thẻ bài, dao và thậm chí cả một khẩu súng.
Swerlin kết hôn năm bà 21 tuổi và có ba đứa con. Khi bà 40 tuổi, chồng bà đột ngột qua đời. Góa phụ Swerlin quyết định đi bước nữa nhưng sau 18 năm chung sống với người chồng thứ hai, bà lại lần nữa chứng kiến cảnh âm dương cách biệt. Sau đó, bà về chung nhà với ông Sol Katz 25 năm cho đến khi ông qua đời vào năm 2019. Bà có 7 cháu và 7 chắt.
Chính con gái bạn trai quá cố của bà, Joanne Schosheim, đã giới thiệu bà với ông Terens vào năm 2021.
Nhiều năm trước, Joanne Schosheim đưa các con đến hội trại và gặp ông Terens cũng tham gia cùng các cháu, họ vẫn giữ mối quan hệ bạn bè kể từ đó. Cô nghĩ rằng ông Terens và bà Swerlin có thể hợp nhau nên nảy ra ý tưởng mời hai người đi ăn trưa.
Cô Schosheim chia sẻ về bà Swerlin: “Bà ấy đã mang lại niềm vui cho bố tôi những ngày cuối đời. Tôi không muốn bà ấy cô đơn.”
Tuy nhiên, sau sự ra đi của vợ mình, ông Terens không còn hứng thú với những người phụ nữ khác và hầu như không để ý đến bà Swerlin.
“Tôi thậm chí còn không nhìn hay nói chuyện với bà ấy”, ông nói.
“Tôi nhìn ông ấy. Ông ấy nhìn tôi,” bà Swerlin nói, nhưng “chẳng có gì xảy ra giữa chúng tôi cả”.
Mặc dù vậy, Stanley Eisenberg, bạn thân của ông Terens, vẫn đưa họ đi ăn tối vào hôm sau.
Đó có thể không phải tình yêu từ cái nhìn đầu tiên nhưng chắc chắn là tình yêu từ cái nhìn thứ hai.
Ông Eisenberg ngạc nhiên nói: “Tôi chưa bao giờ thấy bạn tôi tỏa sáng như vậy.”
Ông Terens thậm chí không thể nói chuyện hay ăn uống một cách tự nhiên.
“Tôi nói rằng: ‘Anh bạn, cậu đang yêu’, còn bạn tôi đáp: ‘Tôi không biết. Tôi chưa bao giờ có những cảm giác này trước đây.”, ông Eisenberg kể lại.
Sau ngày hôm đó, bà Swerlin chia sẻ rằng ông Terens “không cho tôi cơ hội” để từ chối ông ấy. Ở tuổi 94, trái tim bà lại rạo rực lần nữa.
“Ông ấy tự hào nói với cả thế giới, 'Đây là người phụ nữ của tôi, là người tôi yêu', khi đó chúng tôi mới chỉ quen nhau được hai ngày," bà vừa cười vừa nói. "Yêu không chỉ dành cho những người trẻ tuổi. Những ông lão bà lão như chúng tôi cũng có cảm giác rung động như bất kỳ ai khác."
Ông Terens đã cầu hôn bà Swerlin cách đây vài tháng. Không bỏ qua bất kỳ lễ nghi nào, ông chân thành quỳ gối để trao nhẫn cho bà.
“Bà ấy vỡ òa vì hạnh phúc”, ông chia sẻ.
Cuối tháng 5 tới, cặp đôi cùng gia đình sẽ đến Paris để dự lễ vinh danh cựu chiến binh Thế chiến thứ hai. Đây sẽ là lễ kỷ niệm ngày đổ bộ D-Day thứ tư của cựu chiến binh Terens tại Pháp. Ông đã nhận được huân chương từ Tổng thống Emmanuel Macron cách đây 5 năm.
Sau lễ vinh danh, đại gia đình sẽ di chuyển đến thị trấn Carentan-les-Marais, nơi cặp đôi dự định tổ chức lễ cưới vào ngày 8/6. Hôn lễ sẽ diễn ra trong một nhà nguyện được xây dựng từ những năm 1600.