Những đợt thiên tai có mức độ tàn phá nghiêm trọng mới liên quan đến biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán, gió nóng, cháy rừng và siêu bão xuất hiện với tần suất dày đặc và mức độ nguy hiểm liên tục gia tăng. Sự hủy diệt đó có nguy cơ vượt qua mọi nỗ lực ứng phó của các quốc gia.
Theo các nhà khoa học, một trong những cách thức để ngăn chặn biến đổi khí hậu là nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh tế toàn cầu theo hướng cắt giảm lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo các dự báo, thiệt hại vì thảm họa liên quan khí hậu là 520 tỷ USD/năm, trong khi chi phí tăng thêm trong việc xây dựng hạ tầng chống lại tác động của sự nóng lên toàn cầu chỉ chiếm khoảng 3%, tức 2,7 tỷ USD, trong vòng 20 năm tới.
Bà Mami Mitzutori, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về giảm thiểu nguy cơ thảm họa cho rằng, chúng ta nói về tình trạng nguy cấp và một cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng nếu chúng ta không đương đầu với vấn đề này (để tìm cách thích ứng), chúng ta sẽ không thể sống sót.
Theo các nhà khoa học, một trong những cách thức để ngăn chặn biến đổi khí hậu là nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh tế toàn cầu theo hướng cắt giảm lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nếu không, các quốc gia sẽ phải đối mặt với tình trạng kinh tế tuột dốc do chi phí nhằm đối phó với thảm họa thiên tai và các mối đe dọa thiên nhiên khác gia tăng gấp bội. Trên thực tế, thay đổi cũng đang diễn ra ở một số bộ phận của nền kinh tế toàn cầu như ngành sản xuất xe ô tô. Trong đó, các hãng đang hướng tới việc ngừng sản xuất các loại xe chạy bằng động cơ đốt trong và thay thế bằng những phương tiện thân thiện với môi trường như xe điện, xe chạy bằng khí hydro...
Ông Nicholas Stern, Giám đốc Viện nghiên cứu về biến đổi khí hậu và môi trường Grantham ở London (Anh) cho rằng, nhiều nước đã nỗ lực trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế nhưng tốc độ vẫn chưa đủ nhanh. Ông nhấn mạnh: Nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon bằng 0 là nhiệm vụ của mỗi ngành, mỗi quốc gia vì mối đe dọa từ tình trạng khí hậu cực đoan gia tăng đang tạo ra môi trường không thân thiện, điều sẽ khiến cuộc sống cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế bị đảo ngược.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra cuối tháng 6/2019, Tổng Thư ký LHQ Guterres cũng nhắc đến Hội nghị hành động khí hậu tháng 9 của LHQ dự kiến diễn ra tại New York, nơi ông sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cam kết mạnh mẽ hơn với các hành động chống biến đổi khí hậu, trong đó có việc thu phí carbon, bỏ trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, và không chấp nhận những kế hoạch xây dựng các nhà máy điện chạy bằng than đá.
Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh các nền kinh tế G20 chiếm đến 80% lượng khí thải gây biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi G20 cam kết mạnh mẽ hơn trong hợp tác kinh tế và tài chính quốc tế.