Lượng khí thải carbon trong lĩnh vực năng lượng đã tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2018 do nhu cầu tiêu thụ năng lượng và việc sử dụng than đá gia tăng, chủ yếu ở các nước châu Á.
Trong báo cáo công bố ngày 26/3, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, trong năm ngoái, lượng khí thải CO2 liên quan tới năng lượng đã tăng 1,7% so với năm 2017 lên 33 tỷ tấn, mức cao nhất trong 6 năm qua, trong đó khí thải từ hoạt động sản xuất điện năng chiếm gần 70%.
Cụ thể, lượng khí thải CO2 của Mỹ tăng 3,1%, đảo ngược đà giảm trong năm 2017, trong khi mức tăng của Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt là 2,5% và 4,5%. Tại châu Âu, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã giảm 1,3% so với một năm trước đó. Nhật Bản cũng chứng kiến mức giảm lượng khí phát thải trong năm thứ 5 liên tiếp.
Khí thải carbon dioxide là nguyên nhân chính khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu gia tăng. Việc kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu đang là thách thức đối với nhiều nước trên thế giới nhằm tránh những tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu.
IEA đã lần đầu tiên đánh giá tác động của việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đối với mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu và nhận thấy rằng lượng khí CO2 thải ra từ việc tiêu thụ than đá là nguyên nhân gây ra mức tăng nhiệt 0,3 độ C trong mỗi mức tăng 1 độ C của nhiệt độ toàn cầu. Trong năm 2018, lượng khí thải CO2 từ than đá được sử dụng để sản xuất điện đã lần đầu tiên vượt quá 10 tỷ tấn.
Cũng theo báo cáo trên, nhu cầu năng lượng toàn cầu đã tăng 2,3% trong năm 2018, gần gấp đôi mức tăng trung bình kể từ năm 2010, chủ yếu do kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ và nhu cầu làm mát và sưởi ấm gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới.
Trong khi đó, mức tăng trưởng hai con số trong sản xuất điện Mặt trời và điện gió vẫn chưa đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu điện năng đang gia tăng vốn cũng đã thúc đẩy việc sử dụng than đá - loại nhiên liệu thải nhiều carbon nhất. Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ chiếm gần 70% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Về than đá nói riêng, các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Malaysia là những nước tiêu thụ nhiều nhất.
Giám đốc điều hành của IEA Fatih Birol cảnh báo: "Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng bất thường về nhu cầu năng lượng toàn cầu trong năm 2018, hiện tăng ở mức nhanh nhất trong thập kỷ này." Ông Birol nhấn mạnh, mặc dù năng lượng tái tạo đã tăng trưởng mạnh song lượng khí thải trên toàn cầu vẫn tăng, một lần nữa cho thấy thế giới cần nhiều hành động khẩn cấp hơn trên tất cả các lĩnh vực để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.
Báo cáo của IEA được công bố trong bối cảnh hàng loạt báo cáo mới nhất cho thấy những thách thức về khí hậu vẫn chưa được giải quyết. Ủy ban Liên chính phủ Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) cho rằng các nước cần phải giảm 50% lượng khí thải CO2 tới năm 2030 và đạt mức không khí thải vào năm 2050 nếu mức tăng nhiệt độ toàn cầu đạt mức giới hạn an toàn 1,5 độ C./.