Sáng nay 29-11, phiên tòa xét xử vụ thất thoát hơn 3.608 tỉ đồng tại Ngân hàng Đông Á (DAB) với 26 bị cáo bước sang ngày làm việc thứ hai.
Phiên xử sáng nay bắt đầu bằng phần đại diện VKSND TP.HCM hỏi ông Trần Phương Bình (cựu tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB).
Cổ phần DAB được 'bán lỗ' cho Vũ Nhôm
Trong phần xét hỏi hôm qua (28-11), bị cáo Bình thừa nhận hàng loạt sai phạm dẫn đến thiệt hại hơn 3.608 tỷ đồng của DAB. Để che giấu sai phạm, Bình chỉ đạo cấp dưới điều chuyển khoản âm quỹ đến các chi nhánh, phòng giao dịch trong hệ thống – nơi không bị thanh tra. Đồng thời, cựu tổng giám đốc trả lời chủ toạ rằng lý do giúp Vũ thâu tóm ngân hàng, mua giúp ngoại tệ là vì tin tưởng vào khả năng kinh doanh và cảm thấy "có lỗi” với Vũ Nhôm.
Hôm nay đại diện VKS hỏi ông Bình thấy có lỗi gì với Phan Văn Anh Vũ trong lời khai chiều qua liên quan việc mua giùm Vũ nhôm 13,4 triệu USD (hiện DAB chưa đòi được).
Ông Bình cúi đầu, chống hai tay lên bàn, giọng chùng xuống: "Bị cáo nguyên là giáo viên, luôn thấy có lỗi với Vũ vì không thông báo về thực trạng hoạt động của DAB".
Ông khai, tính đến năm 2014 đã bán 50 triệu cổ phần DAB cho Công ty của Vũ với giá 500 tỷ đồng. Do không bán được giá cao nên chấp nhận bán lỗ 10.000 đồng mỗi cổ phần. Cơ quan điều tra xác định toàn bộ tiền này được sử dụng cho DAB, trong đó có một khoản thanh toán hồ sơ vay 60 tỷ đồng để chống âm quỹ.
Tự ý lấy tên vợ con đứng tên cổ phần
VKS hỏi về việc bị cáo Bình và các nhân viên thực hiện nhiều sai phạm chiếm đoạt tiền của DAB. Chỉ riêng giai đoạn năm 2007 đến 2014, bị cáo này chỉ đạo cấp dưới lập phiếu thu khống hơn 1.160 tỷ đồng để mua 74 triệu cổ phần DAB đứng tên ông và người thân. Cụ thể, ông Cao Ngọc Liên (cha vợ ông Bình) mua 523.000 cổ phần với giá 31 tỷ đồng, vợ và hai con gái ông Bình mua 2,2 triệu cổ phần với giá 132 tỷ.
Bị cáo Bình trình bày rằng mua cổ phần của DAB là để đảm bảo việc tăng vốn điều lệ thành công. Số cổ phần còn lại không người mua, Bình nhờ người quen không được nên tự ý lấy tên vợ con đứng tên mua, cổ tức hàng tháng chuyển vào tài khoản của Bình. Việc tăng vốn điều lệ cũng là để tạo sự tin tưởng cho đối tác nước ngoài.
“Bị cáo không bao giờ nghĩ đến việc chiếm giữ nhiều cổ phần hay thâu tóm DAB mà sẽ bán đi để thanh toán nợ nên mới dùng tên người khác. Tỷ lệ cổ phần bị cáo nắm giữ chưa từng quá 20%, trong khi phải có hơn 35% mới có thể chi phối được ngân hàng, có quyền ban hành nghị quyết” – bị cáo Bình trình bày.
Hiện cơ quan điều tra đang làm rõ hành vi của vợ con ông Bình ở giai đoạn hai của vụ án, trong đó có các khoản vay của Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tại DAB. Vợ ông Bình khai ông Bình tự ý lấy tên mình đứng tên mua cổ phần DAB. Bà không biết nguồn tiền từ đâu cũng như không ký chứng từ nộp tiền. Riêng hai con của ông Bình đang định cư tại Úc nên CQĐT chưa thể liên hệ lấy lời khai.
Chiều nay, 29-11, HĐXX tiếp tục xét hỏi.