Chiều nay, 28/11, phiên tòa xử vụ gây thất thoát 3.608 tỉ đồng tại Ngân hàng Đông Á (DAB) với 26 bị cáo bắt đầu vào phần xét hỏi.
Bị cáo Trần Phương Bình (cựu tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB) bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, phải chịu trách nhiệm về khoản thiệt hại hơn 3.608 tỉ đồng của DAB.
Bị cáo Bình là người được xét hỏi đầu tiên. Bị cáo này thừa nhận cáo trạng truy tố hai tội danh với 27 hành vi là đúng. Giọng chậm rãi, lời lẽ chuẩn mực, ông Bình rành mạch trả lời các câu hỏi liên quan đến các hành vi bị cáo buộc.
Bị cáo Trần Phương Bình. Ảnh: VOV |
Từng giảng dạy các môn về tài chính ở Trường Trung cấp Tài chính TP.HCM, năm 1992 bị cáo Bình về làm phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, báo Pháp luật TP HCM đưa tin.
Theo lời khai của bị cáo Bình, từ năm 1997 đến năm 2015, Ngân hàng Đông Á trải qua rất nhiều lần tăng vốn điều lệ, bị cáo không nhớ chính xác bao nhiêu lần. Khi chủ tọa nhắc trong giai đoạn này, DongABank đã tăng vốn điều lệ tổng cộng là 39 lần và hỏi: “Căn cứ vào đâu để ngân hàng quyết định tăng vốn điều lệ?”, bị cáo Bình cho biết, căn cứ vào sự phát triển của ngân hàng, vốn tối thiểu của của ngân hàng theo quy định của NHNN và tính thanh khoản của ngân hàng.
Quyết định tăng vốn điều lệ do Đại hội đồng cổ đông quy định, giao HĐQT và Tổng giám đốc thực hiện. Theo bị cáo Bình, tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phần, bán cho các cổ đông hiện hữu. Ngân hàng cũng quy định cổ đông không được vay tiền của ngân hàng để mua cổ phần trong những lần tăng vốn điều lệ. Nguồn tiền mua cổ phần trong các lần tăng vốn điều lệ phải là tiền có nguồn gốc rõ ràng.
Các cổ đông có quyền vay tại các ngân hàng khác để mua cổ phần. Trong trường hợp này thì nguồn vốn mà Đông Á có bao gồm cả nguồn vốn của ngân hàng khác, điều này nảy sinh trường hợp sở hữu nguồn vốn chéo giữa các ngân hàng, nhưng pháp luật không cấm.
Trần Phương Bình khai nhận cáo trạng truy tố bị cáo đã chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng là chính xác, nhưng “về bản chất thì số tiền này còn nằm trong số cố phần của bị cáo và các cổ đông bị cáo nhờ đứng tên, hiện vẫn đang ở DongABank chứ không mất đi”. Cũng theo bị cáo Bình, những người đứng tên cổ phần không hỏi bị cáo lấy tiền đâu để mua cổ phần của DongABank. Bị cáo cũng không kinh doanh gì thêm, chỉ lấy tiền tích lũy từ những khoản tiền kiếm được từ DongABank để mua cổ phần của ngân hàng này, theo VOV.