Nguyên nhân khiến đá vĩnh cửu nhanh hỏng
Cuối năm 2016, TP. Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố, theo đó, mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm. Tuy nhiên, khi hoàn tất thi công và đưa vào sử dụng, tuổi thọ của những lát đá này không thực sự kéo dài như mong đợi, thay vào đó là sự xuống cấp nhanh chóng chỉ trong vòng vài năm.
Ghi nhận tại một số tuyến đường vỉa hè đã được lát đá tự nhiên như Trần Phú (Hà Đông), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Giảng Võ (Ba Đình)... không khó để bắt gặp những đoạn lởm chởm các vết nứt vỡ, lồi lõm, thậm chí tạo thành những hố nhỏ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Một trong những nguyên nhân khiến vỉa hè bị xuống cấp là vì các phương tiện giao thông thường xuyên di chuyển lên trên hoặc vỉa hè được quy hoạch, tận dụng thành các điểm trông giữ xe. Công tác quản lý sử dụng, bảo trì hè đường sau đầu tư cũng chưa thực sự tốt dẫn đến việc xuống cấp, hư hỏng nhanh chóng.
Đá tự nhiên có tuổi thọ 50-70 năm nhưng sau khi đưa vào lát vỉa hè trên một số tuyến phố của Hà Nội, chỉ 1-2 năm sau đã bong tróc, gãy vỡ. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến đá lát vỉa hè giảm tuổi thọ, trong đó có khâu chọn vật liệu, thi công và sử dụng.
Đá lát được cưa xẻ từ những tảng đá lớn. Những tảng đá lớn đó phải kích nổ để lấy từ núi về, sau đó trải qua hàng loạt công đoạn mới cho ra được những viên đá lát đưa về Hà Nội. "Ra lò" từ tảng đá bị kích nổ, có viên đá còn nguyên vẹn, nhưng có những viên đá được lấy từ phần đá chỗ gần thuốc nổ sẽ bị "om", tức là có những vết nứt ngầm rất nhỏ, chỉ khi đưa vào kính hiển vi mới thấy được mặc dù nhìn bằng mắt vẫn bình thường như bao viên đá khác.
Do đó, trước khi mang đá về lát vỉa hè, đơn vị chuyên môn phải thực hiện quy trình chọn lựa tỉ mỉ, viên nào tốt thì lấy, viên đá nào "om" phải loại ra. Những viên "om" được sử dụng dưới tác động lực của phương tiện hàng ngày sẽ nhanh chóng bị nứt, vỡ. Bên cạnh đó, lát đá quan trọng là lớp lót nền phải phẳng, không được lún, nếu có sự chênh lệch cốt nền dẫn đến nứt vỡ đá.
Đá tự nhiên chỉ ổn định trên nền móng ổn định như rải cát phía dưới. Nếu thi công nền không đảm bảo sẽ khiến viên đá lát bị xô lệch, dẫn đến bong tróc và vỡ.
GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý, vàng và trang sức Việt cho rằng, việc đá granit vỡ, hỏng trong một thời gian ngắn là dễ hiểu bởi đá granit có ưu điểm là đẹp, nhưng có nhược điểm là không bền bằng nhiều loại đá khác. Thành phần của đá granit có phenpat (thành phần tạo ra các loại màu sắc khác nhau). Tiếp xúc nhiều với mưa nắng, phenpat sẽ chuyển thành đất sét, cao lanh, làm cho tuổi thọ của đá bị suy giảm.
Chỉ nên lát đá ở những tuyến phố đi bộ
Chuyên gia cho rằng, lát tất cả vỉa hè bằng vật liệu đá là không phù hợp. Đá là loại vật liệu không thấm nước, cho nên khi mưa thì sẽ bẩn và trơn. Trong khi đó nếu dùng bê tông, xi măng thì khi mưa sẽ thấm nước, người đi lại trên vỉa hè sẽ không bị trơn trượt, lấm bẩn như khi vỉa hè lát đá. Do vậy chỉ nên làm thí điểm vài tuyến đường tập trung đông khách du lịch, có lượng người đi bộ cao. Ở các nước trên thế giới thường kết hợp nhiều hình thức trang trí vỉa hè khác nhau để tạo nên sự phong phú, thu hút du khách chứ không nhất thiết đồng nhất một loại vật liệu.
KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, vỉa hè ở các đô thị lớn như ở Hà Nội là nơi tập trung rất nhiều đường ống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có cả dây thông tin, cấp điện, cấp nước, thoát nước…. tác động rất nhiều đến lớp nền của lớp vật liệu hoàn thiện vỉa hè ở trên. Nhưng những khu vực khi thi công không chú trọng đến điều kiện đặc thù này cho nên không có giải pháp thích ứng với từng đoạn hè phố cụ thể. Ví dụ như có những rễ cây lớn, họ vẫn cứ để nguyên và tạo ra một lớp bê tông nên gây ra vỡ, lún.
Cần phải nghiên cứu tuyến phố nào phù hợp lát đá. Bởi chỉ đi bộ thì đá rất lâu mới hỏng nhưng ôtô, xe máy đi lên thì sẽ chỉ vài năm là vỡ hết. Còn nếu có lát đá vỉa hè đồng bộ thì chỉ nên chọn những tuyến đường có hạ tầng hoàn chỉnh như tại khu vực quận Ba Đình, Hoàn Kiếm… để thực hiện, chứ không phải đường nào cũng làm được. Do đó, kế hoạch thực hiện cần cân nhắc kỹ và thống nhất được việc quản lý đô thị với các ban, ngành liên quan cùng quản lý.
Loại đá nào phù hợp lát vỉa hè?
GS.TSKH Phan Trường Thị cho hay thực tế có những loại đá có tuổi thọ vĩnh cửu, lên đến hàng trăm năm là đá siêu mafic. Loại đá này có thành phần silic thấp và rất hiếm có, có màu đen sẫm, được sử dụng ở những công trình cần sự cổ kính, trang nghiêm. Còn đá để sử dụng lát vỉa hè có rất nhiều loại tùy từng địa phương, quốc gia để lựa chọn. Đá lát đường phải bền, không trơn bóng, có độ nhám và giá thành phải chăng, dễ khai thác. Việt Nam có các loại đá có độ bền cao như đá bazan hay đá quaczit, ziolit…
Ở Việt Nam, đá granite được khai thác ở nhiều nơi như Bình Định, Quảng Ngãi, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái… tùy từng vùng mà đá có các loại vân khác nhau sử dụng cho trang trí. Đá bazan có ở nhiều vùng Tây Nguyên. Ở Phú Thọ có nhiều mỏ đá quaczit, đây là loại đá có độ bền cao và có thể sử dụng lát đường khá tốt. Tuy vậy, khi chọn đá lát đường, theo GS.TSKH Phan Trường Thị phải chọn dựa trên các yếu tố như thuận tiện để khai thác, đá có giá thành phải chăng và phù hợp với đô thị.