Chiều 24/8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng bàn về các biện pháp phòng, chống dịch, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị các phường tiến hành rà soát lại tất cả các ngõ, hẻm, thực hiện chốt chặn, kiểm tra, ngăn việc người dân ra ngoài tiếp xúc giữa các nhà với nhau.
Bên cạnh đó, tăng cường tuần tra, kiểm soát; tuyên truyền cho người dân biết về các nguy cơ lây lan dịch bởi tình hình dịch trên địa bàn thành phố vẫn phức tạp tại các điểm nóng ở quận Hải Châu, quận Cẩm Lệ; đặc biệt ở các ngõ, hẻm nhỏ, dân cư đông đúc rất dễ phát sinh và trở thành các ổ dịch, nếu có một ca F0 thì dễ lây lan ra các khu vực khác.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh cần khắc phục ngay các vi phạm trong phòng, chống dịch; các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống và cảnh báo cho người dân về nguy cơ lây lan dịch.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) hướng dẫn các quận, huyện tiến hành xử lý ngay các ổ dịch; đồng thời phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc lựa chọn lấy mẫu cho đối tượng hộ gia đình, ngăn chặn dịch lây lan để tránh nguy cơ bùng phát trong khu cách ly, tiến hành xét nghiệm nhanh cho người dân ở các điểm nóng và xét nghiệm toàn dân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, từ 13 giờ ngày 23/8 đến 13 giờ ngày 24/8, Đà Nẵng ghi nhận 153 trường hợp mắc COVID-19.
Trong số đó, 43 trường hợp cách ly tập trung, 37 trường hợp cách ly tại nhà hoặc tạm thời cách ly tại nhà, 55 trường hợp trong khu vực phong tỏa, 13 trường hợp đại diện hộ gia đình, 5 trường hợp chưa được cách ly.
5/7 quận, huyện ghi nhận số ca mắc có nguy cơ lây lan cho cộng đồng (trừ huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành Sơn), trong đó cao nhất là quận Hải Châu (59 ca), quận Thanh Khê (15 ca), quận Cẩm Lệ (9 ca).
Ngày 24/8, thành phố lấy mẫu xét nghiệm cho 121.370 lượt; phát hiện, cách ly 287 trường hợp F1, 112 trường hợp F2; đang điều trị 1.820 bệnh nhân, cho xuất viện 89 bệnh nhân; các quận, huyện đã xử phạt 19 trường hợp có hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch, với tổng số 99 triệu đồng.
“Bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng
Cũng trong chiều 24/8, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức họp báo về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, nhấn mạnh để ngăn chặn, kiểm soát dịch, trong thời gian tới thành phố cần tăng cường công tác xét nghiệm nhằm “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng.
Thành phố dự kiến sau 8 giờ ngày 26/8 sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt phòng, chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó,” theo tinh thần Chỉ thị số 05/CT-Ủy ban Nhân dân và Quyết định số 2788/QĐ-Ủy ban Nhân dân của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Căn cứ kết quả xét nghiệm lần 3, thành phố sẽ phân chia các vùng có mức độ nguy cơ khác nhau để áp dụng biện pháp phù hợp.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh phát biểu. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN) |
Cụ thể: địa bàn có nguy cơ rất cao (vùng đỏ) sẽ tạo vùng cách ly tuyệt đối; địa bàn có nguy cơ và nguy cơ cao (vùng vàng) thì thực hiện các biện pháp theo Quyết định 2788/QĐ-Ủy ban Nhân dân, đồng thời bổ sung một số hoạt động được phép thực hiện nhằm đảm bảo việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân; thay đổi người làm việc tại các công sở, cơ quan.
Các nhà máy, cơ sở sản xuất được hoạt động với tối đa 30% số người làm việc và đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”; hoạt động tại cơ quan, công sở nhà nước bố trí tối đa 10% số người làm việc.
Đối với địa bàn có mức độ nguy cơ thấp (vùng xanh) thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp quận, huyện áp dụng các biện pháp theo Chỉ thị số 05/CT-Ủy ban Nhân dân của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố và một số hoạt động theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phát động phong trào thi đua bảo vệ và mở rộng vùng xanh trong khu dân cư.
Các công trình xây dựng trọng điểm được phép hoạt động khi đảm bảo điều kiện thực hiện “3 tại chỗ.”
Bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết thành phố đã có phương án bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân thông qua hệ thống siêu thị lớn, các chuỗi cửa hàng tiện lợi và đội ngũ vận chuyển của các đơn vị, công ty vận chuyển chuyên nghiệp, công ty vận chuyển công nghệ với những quy định nghiêm về phòng, chống dịch như những người tham gia đã tiêm vaccine, xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ, trang thiết bị bảo hộ, khử khuẩn...
Ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh những biện pháp thành phố đưa ra trong thời điểm này là những quyết định hết sức khó khăn, được cân nhắc kỹ với mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết. Thành phố mong muốn người dân, các đơn vị, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục chia sẻ, ủng hộ và đồng hành cùng chính quyền thành phố.
Sự chung tay, góp sức và chấp hành của mỗi cá nhân, tổ chức sẽ là động lực, nhân tố quyết định để thành phố đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.
Đội ngũ shipper được phép giao hàng trong thời gian từ 6 giờ đến 20 giờ. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN) |
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, cho hay trong 10 ngày tới, để giảm bớt áp lực cung ứng hàng hóa cho người dân, thành phố có chủ trương nâng số nhân viên làm việc tại siêu thị, cửa hàng lên 60% nhân lực, cho phép các nhân viên không làm việc 3 tại chỗ, đảm bảo đủ nhân lực soạn hàng, giao hàng kịp thời cho người dân; cho phép shipper công nghệ ký hợp đồng với các chuỗi siêu thị, cửa hàng triển khai việc giao nhận hàng.
Trước sự bùng phát của dịch COVID-19, từ ngày 16/8, thành phố Đà Nẵng áp dụng những biện pháp phòng, chống dịch mạnh nhất từ trước đến nay.
Các lực lượng chức năng đã triển khai khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên toàn thành phố nhằm nhanh chóng sàng lọc, đưa các ca nhiễm SARS-CoV-2 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch.
Theo thống kê, từ ngày 16-24/8, thành phố đã xét nghiệm cho hơn 978.000 lượt người, phát hiện 1.370 ca bệnh, kịp thời xác định và phong tỏa, cách ly y tế đối với những khu vực có nguy cơ rất cao.
Đến thời điểm hiện nay, với việc xét nghiệm rộng toàn thành phố lần 2 và đang xét nghiệm lần thứ 3, thành phố vẫn ghi nhận số lượng ca mắc cao, từ 150-200 ca mắc/ngày, trong đó có hàng chục ca trong cộng đồng; phát hiện các điểm nóng ở một số phường của quận Hải Châu và quận Cẩm Lệ.
Từ ngày 3/5/2021 đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 3.399 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó khoảng 1.820 ca đang được điều trị, có hàng chục trường hợp chuyển biến nặng./.