Về vấn đề này, theo quy định của Luật BHYT về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHYT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT, chậm nhất đến ngày 1/1/2020 cơ quan BHXH phải thực hiện phát hành thẻ BHYT điện tử cho người tham gia BHYT.
Theo BHXH Việt Nam, thẻ BHYT điện tử sẽ được làm bằng nhựa, kích cỡ tương đương thẻ ATM nhưng được gắn chip điện tử lưu trữ thông tin người tham gia, thuận lợi cho quá trình theo dõi và điều trị bệnh khi toàn bộ lịch sử khám chữa bệnh được lưu lại trên thẻ.
Đặc biệt, thẻ BHYT điện tử cho phép xác thực người bệnh bằng thông tin sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt) nhanh chóng, chính xác để thuận tiện cho mọi người, nhất là người già.
Bên cạnh đó, với việc tích hợp các tiện ích ứng dụng trên thẻ như: Nộp tiền BHYT qua thẻ ATM, internet banking, tra cứu thông tin đóng - hưởng BHYT..., việc sử dụng thẻ BHYT điện tử cũng sẽ giúp người tham gia giảm chi phí khi thực hiện các giao dịch.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) thì tiết kiệm được chi phí, giảm thời gian tiếp đón, quản lý người bệnh, kiểm tra thông tin các lần KCB phục vụ điều trị, cấp thuốc điều trị phù hợp, tránh kháng thuốc. Đồng thời, giúp kiểm tra thông tin các lần KCB BHYT gần nhất của người tham gia để hạn chế tình trạng trục lợi quỹ BHYT.
Khi có thẻ điện tử, người dân đi khám bệnh không cần mang theo các giấy tờ tuỳ thân. Những người đang tham gia BHYT đã có thẻ giấy sẽ được cơ quan BHXH chủ động chuyển đổi sang thẻ điện tử và không yêu cầu phải lập bổ sung hồ sơ. Đối với những người tham gia mới, sau khi nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT, cơ quan BHXH sẽ cấp thẻ BHYT điện tử cho người tham gia.
Đến năm 2020, cơ quan BHXH phải hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH trong phạm vi cả nước (căn cứ vào khoản 2 Điều 9 Luật BHXH 2014 ). Do đó, thẻ BHYT tiến tới sẽ tích hợp thông tin thông tin về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để tiến tới dùng chung thay thế cho sổ BHXH giấy hiện hành.