Sở dĩ có tên gọi là bún số 8 bởi sau khi phơi bún xong, người thợ sẽ cẩn thận cuộn những cọng bún khô thành hình số 8 cho gọn gàng và bắt mắt.
Dưới cái nắng nóng hừng hực, tại cơ sở làm bún số 8 của gia đình bà TrầnThị Lời (73 tuổi, trú xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), 4 nhân công vẫn đang khẩn trương khuấy bột, ép bún. Bà Lời kể: “Đây là nghề làm bún truyền thống của ông bà tôi để lại, tôi tiếp nối nghề này từ năm 1975 đến cho đến nay. Nghề làm bún số 8 tuy vất vả, thu nhập không cao nhưng tôi vẫn quyết tâm bám trụ với nghề truyền thống này”.
Bình quân 1 tạ bột mì cho ra hơn 50 kg bún, với giá bán khoảng 15.000 đồng/kg.
Lúc trước, đa số người dân làm bún số 8 theo cách thức thủ công, dựa vào sức người là chính.
Khi bắt đầu làm bún, tinh bột mì sẽ được cho vào chảo gang lớn đặt lên lò lửa chế nước cho lỏng rồi khuấy đều khi bột trở màu trong suốt là sắp chín (gọi là trùng bột).
“Sau đó, người thợ dùng giá múc trùng bột đổ vào khuôn và đặt lỏi ép lên trên và tiến hành công đoạn ép bún. Khi bột được ép ra thành sợi bún, người thợ sẽ cầm vỉ để hứng và mang phơi. Cứ thế tiếp tục công đoạn cho đến khi hết bột” - bà Lời cho hay.
Thấy chúng tôi còn lạ lẫm, chị Nguyễn Thị Nga (40 tuổi, người làm bún) nói tiếp: “Bún phơi vừa khô, người thợ liền chồng nhiều vỉ lại 1 lần và mang vào nhà dùng tay gỡ bún ra khỏi vỉ. Dùng tay để cuốn thành hình số 8 rồi cột lại để giữ hình sao cho đẹp mắt và gọn gàng. Điều này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kinh nghiệm lâu năm mới làm được”.
Hiện nay, rất hiếm người làm bún số 8 bằng cách thức thủ công vì khá tốn.
Điều tạo nên thương hiệu cho món ăn này không chỉ ở nguyên liệu, cách thức… mà còn là hình thù gắn với tên gọi bún số 8.
Sau khi phơi khô, bún sẽ có nhiều sợi dài nằm thẳng trên vỉ. Người thợ sẽ gỡ bún và hơ lên chậu lửa để uốn cọng bún thành hình số 8 rồi cột vào giữa, thật chắc chắn và đẹp mắt.
Bún số 8 thường dùng kèm với thịt, đậu… để tạo ra món xào thơm ngon và là món ăn không thể thiếu tại các mâm cỗ của người dân nông thôn ngày nay tại Bình Định.
Theo Dân Việt