Các nhà khoa học tới từ Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ) và Đại học Quebec (Canada) có thể theo dõi sự thay đổi nhiệt độ của Đại Tây Dương trong khoảng 3.000 năm.
Kết quả cho thấy, thập kỷ vừa qua đã chứng kiến Đại Tây Dương, đại dương lớn thứ 2 trên thế giới, có nhiệt độ nóng nhất trong 3 nghìn năm trở lại đây.
Họ căn cứ vào các dữ liệu nhiệt kế, băng đá và lõi trầm tích ở Bắc Cực, phần thuộc Canada. Những lõi trầm tích này có niên đại hàng nghìn năm và thay đổi rõ ràng theo nhiệt độ. Lớp trầm tích có thể cho thấy các mức thay đổi nhiệt độ đại dương cũng như sự gia tăng nhiệt độ đáng lo ngại những năm gần đây.
Nghiên cứu mới không xác định nguyên nhân đại dương nóng lên nhưng biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân dẫn đến mọi khu vực trên Trái đất đang nóng dần lên.
Đại dương nóng lên là tin xấu với các sinh vật biển. Ngoài ra, tình trạng này còn dẫn đến việc nhiều cơn bão lớn xuất hiện, tuyệt chủng hàng loạt sẽ xảy đến với nhiều loài và nghiên cứu mới cho thấy vấn đề này sẽ càng trầm trọng hơn.
Theo các chuyên gia, cá voi và cá heo đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Và Bắc Cực "đã không ấm như thế này trong hơn 3 triệu năm qua", theo các nhà khoa học nghiên cứu về sự xả thải khí CO2.
Trong 3 thập kỷ gần nhất, mỗi thập kỷ đều nóng hơn so với thập kỷ trước đó. Thế kỷ 21 chiếm 17 trên tổng số 18 năm nóng nhất. Trái đất chỉ cần tăng thêm vài độ nữa sẽ dẫn đến thảm họa.
Biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến các vấn đề nóng lên toàn cầu, nguy cơ lũ lụt, hạn hán và các đợt nắng nóng thường xuyên hơn. Các đại dương đang ấm lên, băng ở vùng cực và sông băng đang tan chảy, mực nước biển dâng cao và con người chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn.