Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM), gần đây bệnh viện liên tục tiếp nhận những ca bệnh nhi được đưa đến viện điều trị do bị chó cắn. Trong đó, có hai ca bệnh bị tổn thương rất nghiêm trọng.
Trường hợp thứ nhất là bé trai L.N.T.L 1 tuổi (Đăk Lăk) được đưa vào bệnh viện vào ngày 4/1 với tình trạng mặt biến dạng, mất một mảng thịt lớn, toàn bộ phần mũi gần như đã đứt lìa. Người nhà của cậu bé cho biết, khi người mẹ đang nấu ăn dưới bếp thì nghe tiếng gào khóc của con, đến khi chạy lên thì kinh hãi thấy cảnh con chó nhà nuôi đang vồ lấy bé và cắn liên tiếp vào mặt.
Phải mất tới vài phút, những người lớn mới có thể lôi được con chó ra khỏi người cậu bé và vội đưa cậu bé tới bệnh viện địa phương để cấp cứu. Sau khi được sơ cứu, các bác sĩ đã lấy miếng thịt cho vào xô đá và chuyển cậu bé xuống bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Thế Huy – Phó trưởng kho Tai mũi họng Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, khi nhập viện bé T.L đang trong tình trạng bị cắn rất nặng, phần mũi gần như mất hết. Mảng thịt dù được bảo quản trong thùng đá nhưng do thời gian quá lâu, hơn 12 giờ đồng hồ nên phần lớn bị hoại tử.
Hiện tại bé đã được phẫu thuật ghép vào và cố gắng bảo tồn bằng cách tiêm kháng sinh liều cao để tránh nhiễm trùng, tuy nhiên hiện tại chưa thể tiên lượng được tình trạng sau này của bé.
Trường hợp thứ 2 là một bé trai 5 tuổi (Đồng Nai) nhập viện cấp cứu lúc 3h30 sáng ngày 7/1 vì bị 2 con chó béc giê cắn. Tình trạng của cậu bé rất nghiêm trọng, khí quản bị thủng, khí tràn xuống dưới đùi và các khoang trong bụng nên rất nguy kịch.
Khi được chuyển vào phòng mổ cấp cứu, các bác sĩ phát hiện một lõ thủng ở cổ khiến khí quản bị thủng, gây tràn khí khắp cơ thể.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thế Huy, trong miệng chó có nhiều loại vi trùng, nhất là ở răng và nước bọt. Khi bị chó cắn xé, vi trùng sẽ lây lan vào các mô, gây nguy hiểm cho trẻ.
Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ việc trẻ bị chó cắn gây hậu quả nghiêm trọng, các bậc phụ huynh cần hết sức cẩn trọng và nâng cao vấn đề an toàn cho trẻ khi có vật nuôi trong nhà như chó, mèo… Những loài động vật này thông thường khá hiền hòa và thân thiện, nhưng đôi khi chúng có thể trở thành mối nguy hiểm lớn cho trẻ.
Khi nuôi thú trong nhà, đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ cần tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ và đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho vật nuôi. Không nên để trẻ nhỏ ở trong phòng một mình với chó, mèo vì trẻ nhỏ hiếu động có thể trêu chọc và kích động khiến thú nuôi trở nên giận giữ và khó kiểm soát.
Khi trẻ bị chó cắn cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để khám và điều trị, đồng thời tiến hành tiêm phòng dại nếu cần thiết. Tuyệt đối không chủ quan để trẻ ở nhà để tránh gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo VTC news