Tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng
Theo quan sát của Phóng viên Báo điện tử TN&MT (PV), dọc tuyến sông Krông Nô xuất hiện rất nhiều vết nứt mới kéo dài, có nhiều đoạn bề mặt đất bị biến dạng do đứt gãy. Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Xong, trú tại thôn Xuyên Hà, xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra từ năm 2009 và kéo dài cho đến nay, mỗi năm diện tích đất của gia đình lại càng thu hẹp lại vì bị lún xuống sông hết.
Trước năm 2009, gia đình tôi có hơn 3hecta trồng cà phê đang trong giai đoạn thu hoạch với sản lượng 5tấn/hecta nhưng đến nay chỉ còn gần 1,6hecta thôi”. Theo ông Xong, nguyên nhân nhiều khả năng do mấy năm trở lại đây tình trạng khai thác cát trên sông ngày một nhiều, cộng với sự xuất hiện của nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah xã lũ làm ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy dẫn đến đất bị sạt lở ngày một lớn như hiện nay. Qua tìm hiểu của PV, tính từ năm 2014 đến nay có hơn 60 hecta đất sản xuất nông nghiệp với hơn 150 hộ dân thuộc 5 xã bị ảnh. Trong đó, có 3 xã bị ảnh hưởng nặng là Đắk Nang, Đức Xuyên và Nâm N’Đir với hơn 50 hecta.
Một đoạn mới bị sạt lở trên dòng sông Krông Nô qua xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô. |
Người dân và chính quyền địa phương mòn mỏi chờ biện pháp khắc phục
Xác nhận với PV Báo điện tử TN&MT, ông Nguyễn Hùng – Phó chủ tịch UBND xã Đức Xuyên, huyện Krông(Đắk Nông) cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ sông bắt đầu diễn ra mạnh từ năm 2010 khi nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah chính thức đưa vào hoạt động và đến thời điểm này tình trạng sạt lở ngày một nhiều ảnh hưởng rất lớn đến người dân canh tác nông nghiệp dọc bờ sông. Trong mấy tháng trở lại đây, xã nhận được nhiều đơn thư do bà con gửi đề nghị được được hỗ trợ và sớm tìm biện pháp khắc phục. Việc này, UBND xã đã có văn bản đề nghị với huyện và Trung tâm Phát triển quỹ đất nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”.
Trao đổi trực tiếp với PV về những biện pháp khắc phục, ông Nguyễn Xuân Danh – Phó chủ tịch UBND huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho hay: Huyện rất quan tâm và quyết liệt trong việc tìm ra các biện pháp khắc phục tình trạng sạt lở. Trước mắt, chỉ đạo cho Phòng Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo các xã, công an huyện cùng phối hợp nhằm nắm bắt tình hình khai thác cát trái phép để xử lý. Ngoài ra, huyện đã chủ động phối hợp với Công ty thủy điện Buôn Kuốp cùng tìm biện pháp khắc phục. Còn về lâu dài huyện đề nghị Công ty thủy điện Buôn Kuốp xây dựng bờ kè dọc bờ sông. Tuy nhiên, theo ông Danh để các biện pháp trên phát huy tối đa được hiệu quả thì rất cần phía các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk phối hợp. Bởi vì, hiện nay các đơn vị khai thác cát trên sông Krông Nô mà được phía Đắk Lắk cấp phép hoặc khai thác trái phép nhưng nằm trên địa giới hành chính của tỉnh Đắk Lắk thì phía Đắk Nông rất khó để xử lý.
Một trong rất nhiều điểm bị sạt lở. |
Sạt lở do 4 nguyên nhân
Tháng 11/2017, Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông có báo gửi UBND tỉnh Đắk Nông về việc xử lý tình trạng sạt lở đất dọc sông Krông Nô. Trong báo cáo đã chỉ ra 4 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở đất sản xuất nông nghiệp của người dân.
1: Các hoạt động khai thác cát cùng một thời gian và tập trung tại 1 khu vực dẫn đến địa hình đáy sông bị thay đổi đột ngột tại một vị trí, dòng chảy thay đổi lớn gây lên hiện tượng sạt lở bờ sông.
2: Hoạt động xả nước của Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah đã dẫn đến lưu lượng nước trên sông Krông Nô bị thay đổi thất thường trong ngày dẫn đến phá vỡ kết cấu địa chất của bờ sông ở những khu vực có kết cấu địa chất yếu, gây sạt lở đất.
3: Do ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu, dẫn đến tình trạng thời tiết diễn biến bất thường, không theo quy luật tự nhiên trước đây, dẫn đến mưa lớn kéo dài, lượng mưa nhiều nên dòng chảy trên mặt với lưu lượng lớn làm sói lở đất, góp phần gây ra sạt lở bờ sông. Ngoài ra, sự cộng hưởng của các nguyên nhân cũng có thể làm cho việc sạt lở diễn ra mạnh hơn so với tác động độc lập của từng nguyên nhân.
4: Hoạt động địa chất của sông là một quá trình tổng hợp và xẩy ra đồng thời của 3 quá trình: xâm thực (sâu, ngang), vận chuyển phù sa và lắng đọng trầm tích dọc theo dòng chảy. Sự tương tác giữa dòng chảy và lòng sông ở từng đoạn sông rất khác nhau, do đó cường độ, tốc độ xói lở của chúng cũng khác nhau, gây nên các kiểu xói lở cho cả dòng sông nói chung và từng đoạn sông nói riêng cũng không giống nhau.
Theo Báo Tài nguyên và Môi Trường