Hội thảo là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức trao đổi, thảo luận làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh mạng, mật mã và quản trị an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia.
Hội thảo làm sáng tỏ các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cơ sở chính trị, pháp lý để đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, đánh giá thực trạng của vấn đề, từ đó tham mưu, đề xuất các chủ trương và giải pháp cụ thể nhằm phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng và cơ yếu, tập trung nguồn lực cho quản trị an ninh mạng; đề xuất và kiến nghị các cơ chế, chính sách về văn hóa, sức mạnh mềm trong an ninh mạng, mật mã, chính sách quốc phòng an ninh, góp phần xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Sự kiện có sự tham gia của trên 300 đại biểu đến từ gần 30 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và trên 50 cơ quan báo chí Trung ương, địa phương.
Toàn cảnh cuộc hội thảo khoa học Quốc gia về an ninh mạng và mật mã trong nền an ninh Quốc gia. Ảnh TTXVN |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hùn, Phó Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ nêu rõ, ở Việt Nam, vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia đang phải đối diện với nhiều nguy cơ, thách thức nghiêm trọng trong bối cảnh hội nhập ngày một sâu rộng với thế giới cũng như tác động tiêu cực từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vì vậy, công tác bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ thường xuyên, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là công tác trọng tâm có tính chiến lược của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, công cuộc bảo vệ an ninh, trật tự nói riêng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hùng, với việc xem không gian mạng là vùng “lãnh thổ đặc biệt”, bảo mật, an ninh mạng và an toàn thông tin sử dụng kỹ thuật mật mã sẽ ngày càng khẳng định vai trò của mình trong bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của các quốc gia.
Hội thảo khoa học quốc gia “An ninh mạng và Mật mã trong nền an ninh quốc gia” tiếp nhận hơn 30 tham luận, báo cáo khoa học được gửi tới từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo của các cơ quan trung ương bộ, ban, ngành; trong đó có 8 tham luận được trình bày tại Hội thảo.
Các tham luận tập trung phân tích, làm sáng tỏ các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng, mật mã, không gian mạng, cũng như cơ sở chính trị, pháp lý để đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Từ đó tham mưu, đề xuất các chủ trương, giải pháp cụ thể nhằm phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng và cơ yếu, tập trung nguồn lực cho quản trị an ninh mạng; đề xuất, kiến nghị các cơ chế, chính sách về văn hóa, sức mạnh mềm trong an ninh mạng, mật mã, chính sách quốc phòng an ninh liên quan tới an ninh mạng.
Hội thảo là nhiệm vụ quốc gia, thuộc Đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia”, mã số KX.04.32/21-25, thuộc Chương trình Nghiên cứu Khoa học Lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025 của Hội đồng Lý luận Trung ương, do Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ quan chủ trì.